Bài học tình yêu từ loài chim

Bài học tình yêu từ loài chim

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) vừa thông báo một kết quả thống kê gây sửng sốt rằng số động vật hoang dã trên thế giới đã giảm đi một nửa trong vòng 40 năm qua. Những hành động tàn phá môi trường của con người đã dẫn đến sự biến mất của nhiều loại sinh vật và hiện vẫn đang đẩy một số loài khác đến bờ vực tuyệt chủng. Nhiều loài chim quý cũng đang nằm trong danh sách này.

Nếu bạn nghĩ rằng chuyện diệt vong của chim chẳng liên quan gì tới mình, bạn đã nhầm. Nhà động vật học Noah Strycker vừa xuất bản một cuốn sách tập hợp những kết quả nghiên cứu và khám phá của mình về loài chim, mang tên The Thing With Feathers. Anh cho rằng loài chim có thể dạy chúng ta rất nhiều điều về cách sống, cách yêu và tình cảm gia đình.

Noah Strycker đã hứng thú với việc nghiên cứu về các loài chim từ khi còn nhỏ và hiện nay đã trở thành một trong những nhà nghiên cứu chim hàng đầu nước Mỹ. Trong cuốn sách của mình, anh liệt kê nhiều điểm tương đồng giữa loài chim và loài người và khẳng định rằng xã hội loài người sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta có thể học hỏi những đức tính của loài chim. Dưới đây là 4 đức tính tiêu biểu của loài chim đã được Strycker chỉ ra trong cuốn sách của mình:

1. Luôn tìm được đường về nhà

Trong khi con người sử dụng những công cụ nhân tạo để xác định phương hướng, chim bẩm sinh đã có khả năng tìm đường. Sáo đá là một trong những loài chim có khả năng tìm đường xuất sắc nhất. Chúng có thể bay vượt biển trong cơn bão và vẫn tìm được đường đến nơi cần đến trong điều kiện thời tiết xấu.

Bài học tình yêu từ loài chim

Loài sáo đá.

Strycker đã viết trong cuốn sách về các loài chim của mình rằng: “Bạn có thể bịt mắt, bịt mũi và bịt tai một con sáo đá, nhốt chúng trong một cái lồng nhiễm từ rồi đưa nó đi thật xa, nó vẫn sẽ tìm ra đúng đường để quay lại tổ”.

2. Chăm chỉ làm việc để nuôi sống và bảo vệ gia đình

Không giống như hầu hết các loài chim núi sẽ di cư về phía Nam vào mùa Đông, loài chim bổ hạt Mỹ (cùng họ với chim gõ kiến​​) không chỉ ở lại mà còn đẻ trứng trong cái rét cắt da thịt của tháng Giêng và tháng Hai. Loài chim này làm cách nào để sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt như vậy? Câu trả lời duy nhất là: chăm chỉ tích trữ.

Thức ăn chính của chim bổ hạt là hạt thông. Chúng sẽ nhặt nhạnh hạt thông suốt từ tháng 7 cho đến đầu mùa Đông. Bằng một túi đặc biệt dưới lưỡi, chim bổ hạt có thể thu hoạch được cả trăm hạt thông một lần. Chúng sẽ giấu “chiến lợi phẩm” ở nhiều vị trí dưới đất xung quanh tổ.

Bài học tình yêu từ loài chim

Chim bổ hạt là một trong những loài chim hiếm hoi có thể sinh tồn trong cái lạnh mùa Đông.

Strycker đã gọi hoạt động tích trữ lương thực này của loài chim bổ hạt là “một thành tích đáng kinh ngạc” vì chỉ trong vài tháng, chim bổ hạt có thể kiếm được hơn 10.000 hạt thông và chôn ở hơn 5000 vị trí khác nhau. Điều quan trọng là, chúng vẫn có thể tìm ra các kho tích trữ dù các kho này không hề được đánh dấu và còn bị tuyết phủ kín trong mùa Đông. Stryker cho rằng chim bổ hạt có khả năng ghi nhớ vị trí xuất sắc bẩm sinh.

Chim bổ hạt gần như là loài chim duy nhất có thể vượt qua được mùa Đông khắc nghiệt của phương Bắc nhờ chăm chỉ lao động. Vì chúng vẫn đẻ trứng trong mùa giá lạnh, lương thực đầy đủ là yếu tố tiên quyết để chim non có thể sống sót.

3. Đoàn kết và luôn quây quần bên nhau

Bài học tình yêu từ loài chim

Một gia đình chim hồng tước.

Sau nhiều tháng quan sát và phân tích tập quán sinh sống của loài chim hồng tước Úc, Strycker đã phát hiện ra rằng loài chim này có tinh thần đoàn kết đáng ghi nhận. Anh viết trong cuốn sách của mình rằng: “Bầy chim hồng tước là một gia đình rực rỡ sắc màu gồm hàng trăm anh chị em. ‘Đại gia tộc’ hồng tước có nhiều thế hệ, từ ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác… Tất cả thành viên của ‘gia tộc’ sẽ thay phiên nhau chăm sóc và bảo vệ hồng tước con”.  Strycker cho rằng con người có thể quan sát và học được nhiều điều từ cách một bầy hồng tước chung sống và san sẻ trách nhiệm trong gia đình với nhau.

4. Chung thủy

Chương được đánh giá là cảm động nhất trong cuốn sách của Strycker là về loài chim hải âu lớn. Đây là loài chim tượng trưng cho sự lãng mạn và hùng vĩ của những vùng đất hoang lạnh. Chim hải âu lớn có sải cánh dài hơn 3,6m và có thể bay tới 3000km để kiếm ăn cho bầy con của mình. Dù dành phần lớn thời gian trong đời cho việc bay, hải âu lớn là loài chim nổi tiếng là có trái tim chung thủy và tình yêu mãnh liệt.

Bài học tình yêu từ loài chim

Một cặp hải âu lớn đang tán tỉnh nhau.

Khi gặp được “ý trung điểu”, loài chim này sẽ thực hiện một nghi lễ nhảy múa đặc biệt để tán tỉnh (sải rộng đôi cánh và nhảy múa hoặc chao liệng xung quanh nhau). Hai mươi năm sau cuộc gặp gỡ, cặp đôi này vẫn sẽ sống trong cùng một tổ và hoàn toàn không giao phối với bất cứ con nào khác ngoài “bạn đời” của mình. Strycker nói: “Cá nhân tôi nghĩ rằng chim hải âu lớn yêu mãnh liệt và chung tình hơn con người rất nhiều”.

Bạn cần nhớ rằng chỉ có khoảng 5% trong 5.000 loài động vật có vú trên thế giới là sống theo “chế độ” một vợ một chồng. Giữa thế giới “đa phu, đa thê”, chim hải âu lớn tỏ rõ là những cá thể trung thành và tận tụy với gia đình của mình. Chúng dành nhiều thời gian để nuôi nấng và dạy dỗ chim con hơn hầu hết các loài chim khác. Để tô đậm hơn sự đặc biệt trong tình yêu của loài hải âu lớn, Strycker nhắc lại một số liệu đáng quan tâm: “Hiện nay, tỷ lệ ly hôn ở Mỹ đã lên đến 40%. Con số này khiến tôi nghĩ đến loài chim Nazca – loài chim nổi tiếng về việc thường xuyên giết hại anh chị em ruột của mình ngay trong tổ”.

Trong chương cuối cùng, Strycker đã thêm vào một bức ảnh mô tả chính xác những điều anh thấy được về tình yêu của loài hải âu lớn – một cặp hải âu đang ngủ, một trong hai con đang kê chiếc mỏ dài đặc trưng lên đầu con còn lại.

Bài học tình yêu từ loài chim

Bức ảnh đặc biệt về chim hải âu lớn trong chương cuối cuốn sách The Thing With Feathers của Strycker.

Strycker viết: “Đôi mắt đen như mực của chim hải âu có thể đem đến cho mỗi người trong chúng ta những liên tưởng khác nhau. Bạn có thể thấy đó là biểu tượng của sự thông thái, sự thanh thản, sự hiền hòa, sự hoang dại hoặc sức chịu đựng phi thường… Còn với tôi, điều mà tôi thấy trong đôi mắt đó là tình yêu”.

Con người luôn có xu hướng rằng mình là loài cao cấp, thông minh nhất và là bá chủ trên hành tinh này. Chúng ta tưởng rằng giống loài của mình biết tất cả và coi thường khả năng của những động vật cấp thấp. Không mấy ai trong chúng ta chịu dừng lại dù chỉ trong chốc lát để quan sát thiên nhiên kĩ càng hơn. Những người như Strycker nhắc nhở chúng ta rằng, bằng nhiều cách, vương quốc động vật muôn hình vạn trạng có những sức mạnh bí ẩn mà chúng ta không thể nhìn thấy nếu chỉ liếc qua một cách hời hợt.  

Nguồn: Theo Daily Maik UK

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.