Lần đầu tiên, khi thấy trên quần có vệt máu, con bé lớp tám khi ấy – là nó đã vô cùng hoảng sợ, lo lắng chẳng biết chia sẻ cùng ai. Nhưng rồi trong khoảnh khắc bỡ ngỡ và đau khổ về cái “lần đầu tiên” ấy, nó bỗng nhớ lại mỗi tháng mẹ đều lót những tấm vải xô vào trong quần, nó cũng bắt chước, lén lút lấy một tấm vải xô trong ngăn kéo tủ của mẹ, đặt vào chiếc quần trong của mình rồi đợi chờ một điều gì đó rất ngô nghê trước sự chuyển biến thành thiếu nữ mà nó hoàn toàn không biết gì, bởi mới ngày hôm qua thôi, nó vẫn còn là một đứa trẻ: “Chắc là từ nay, mình sẽ giống mẹ”. Giống mẹ, chỉ là ở việc đặt miếng vải xô vào trong chiếc quần, định nghĩa đơn giản của nó khi đó là như thế. Và nó ngại ngùng giấu biệt với mẹ về cái bệnh nó đang mang trong người, cho mãi đến khi, đứa bạn ở lớp nói với nó về dấu hiệu trưởng thành mà bé gái nào cũng sẽ trải qua, đó gọi là chu kỳ kinh nguyệt. Rồi mẹ nó cũng phát hiện, mẹ nói bâng quơ: “Bị rồi thì từ nay không ra ngoài chơi với bọn con trai nữa”. Trước sự thay đổi của một con người – từ nay sẽ thôi không còn là đứa con nít chạy chơi đùa lông bông với bọn con trai trong xóm, chỉ thông qua một “dấu hiệu” sau một đêm, nó sẽ là người hoàn toàn khác, ít nhất trong cách cư xử, nhưng nó hẫng hụt – vì chẳng có ai “vạch đường chỉ lối” cho nó cả.
20 tuổi, nó và bạn trai quan hệ tình dục, nó trở thành đàn bà.
18 tuổi, nó có người yêu, 20 tuổi – nó và bạn trai quan hệ tình dục, nó trở thành đàn bà. Nó vẫn cứ ngô nghê nhìn cái vệt máu loang trên tấm ga như cái lần đầu tiên nó thấy vệt máu dính trên quần. Nhưng nó cũng biết rằng nó đã mất đi một điều quý giá mà mẹ vẫn thường úp mở nói sau lần đầu tiên nó “bị”: “Từ nay phải giữ gìn”. Nó đã khát khao được nếm thử, được vượt qua cái cảm giác bị ngăn cấm bởi điều mẹ nói với cảm giác được khám phá chính bản thân mình và khi vượt qua rồi, nó chỉ thấy trong lòng trống trải, cô đơn như thể nó đã mất đi một điều gì đó mà chính bản thân nó cũng chẳng biết nữa. Tất nhiên, không phải là giọt máu đọng lại trên tấm ga giường. Nó chênh chao suốt một thời gian dài.
25 tuổi, sau 5 năm trở thành đàn bà, nó kết hôn, lập gia đình – chú rể là người đàn ông đầu tiên của nó, quen thuộc, không có gì khác. Nhưng mãi đến khi quyết định lấy chồng – nó mới hiểu rõ trở thành phụ nữ có nghĩa là thế nào. Không phải là khi đã quan hê tình dục mà là khi biết mình đã sẵn sàng để có một người chồng để thuộc về, có một mái nhà để chăm sóc và có một hạnh phúc để trông mong.
Khi quyết định trở thành đàn bà với người nó yêu, nó không hoàn toàn thiếu kiến thức tình dục. Bằng chứng là nó và bạn trai đã quan hệ tình dục an toàn suốt 5 năm. Nhưng nó biết cũng nhiều cô gái như nó, sự ngô nghê khi quyết định một việc quan trọng đối với chính mình lại là phó mặc để rồi trong giây phút đầu tiên nhìn thấy giọt máu của mình đọng lại trên tấm ga giường – không phải là hạnh phúc, không phải là vui sướng mà là lo sợ, là cô đơn, là chông chênh. Bởi vì họ – hoàn toàn không có một định hướng nào cho mình sau khi đã vượt qua cái ranh giới cấm mà bố mẹ đặt ra nhưng không hề có một lời giải thích, không hề có một sự chia sẻ nào. Những “bí mật” trong thỏa thuận ngầm giữa bố mẹ và con gái đã đưa đến vô số sự hiểu lầm và trong đó có không ít con đường đã bị rẽ sai trong sự tiếc nuối, ân hận của cả người con và người làm cha, làm mẹ. Nó chỉ may mắn hơn nhiều cô gái khác, khi quyết định trao thân cho người mình yêu, nó biết bảo vệ mình an toàn và người đàn ông mà nó chọn đã theo nó đi suốt một chặng đường dài, không thay đổi.
Câu chuyện về tình yêu và tình dục đối với những cô gái Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn là câu chuyện không rõ hồi kết. Không phải cô gái nào cũng may mắn khi trao thân gửi phận cho đúng người đàn ông, nhưng cũng không phải sự trao thân nào cũng sẽ là vô nghĩa. Chỉ có điều, dẫu là chọn lựa khổ đau hay hạnh phúc, những điều mà nó cũng như nhiều cô gái khác sẽ cảm thấy mình thành thật, tự tin hơn với chọn lựa của mình là sự cởi mở, chia sẻ và tôn trọng của bố mẹ trong những giai đoạn quan trọng của cuộc đời.
Sau 5 năm trở thành đàn bà, điều khiến nó cảm thấy mình trở thành đàn bà không phải là thời khắc nhìn thấy giọt máu trên tấm ga trải giường mà là khi biết mình đã đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm với chọn lựa của mình, không hối tiếc, không oán trách bản thân và cũng không để bất cứ ai có thể coi thường mình về sự còn mất của một giọt máu thừa. Chắc chắn sau này, khi dạy con gái, điều đầu tiên nó làm – không phải là những bài học, sự giáo huấn, sự ngăn cấm về những điều được mất trong đời mà là ở bên con – trong đúng thời điểm mà con cần, chỉ để lắng nghe, chia sẻ và tôn trọng. Đó không phải là bài học về những giọt máu mà là câu chuyện của những người phụ nữ.
Diệp Tử Mộc
(Theo congluan.vn)
(Theo congluan.vn)
Mời độc giả đọc thêm bài viết được quan tâm:
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.