Bạn có biết ngâm chân lợi ích đủ đường?

Dưới đây là những tác dụng bất ngờ từ việc ngâm chân, mời bạn cùng tìm hiểu:

Lưu thông khí huyết

Theo y học cổ truyền phương Đông, ngâm chân có rất nhiều lợi ích, thế nên, các bậc vương tôn quý tộc thời xưa thường xuyên ngâm chân trước khi đi ngủ. Từ thực tiễn cuộc sống, những người bị cước chân, đau tức chân vẫn thường được khuyên ngâm chân bằng nước ấm với muối hoặc một số vị thuốc y học cổ truyền như lá lốt, ngải cứu.

Phóng viên ChaMeCuaCon.com đã trao đổi với Ths. Bs Nguyễn Xuân Giao, trưởng khoa Đông y thực nghiệm, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Ương cho biết: “Ngâm chân đúng cách và thường xuyên không chỉ tốt cho đôi bàn chân mà còn tác dụng đến cả cơ thể. Khi hai bàn chân thường xuyên tiếp đất. Đất thuộc âm, lại thêm sự ẩm ướt từ môi trường sẽ làm cho âm càng tăng, trở thành âm tà. Đây là nguyên nhân gây ra các bệnh đau nhức xương khớp. Đặc biệt là phụ nữ sau sinh dương khí hao tổn suy yếu rất dễ bị bệnh khi gặp âm tà (do ẩm thấp). Âm tất thắng dương. Điều này cũng lý giải vì sao ở Việt Nam, phụ nữ sau sinh thường đi tất suốt thời gian ở cữ (khoảng 3 tháng) cũng chính là nhằm giữ ấm đôi bàn chân. Bởi suốt thời kì mang thai 9 tháng 10 ngày và khi sinh nở làm cho người phụ nữ hao tổn khí huyết“.

Bởi vậy, ngâm chân làm bàn chân ấm lên nhờ sự tác động của nhiệt. Nhiệt làm giãn nở mạch máu tại vùng bàn chân được ngâm, tăng cường lưu thông tuần hoàn máu, tăng nuôi dưỡng vì thế nhờ đó mà tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Cho nên, khi ngâm chân xong thường sẽ mang lại cảm giác khoan khoái, dễ chịu, tạo giấc ngủ sâu.

(Ảnh minh họa: Chuabenhgiadinh)

Chữa bệnh hiệu quả

Ngâm chân không chỉ giúp lưu thông khí huyết mà còn là phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Nếu bạn bị đau nhức xương thì việc ngâm chân hoặc xông chân với lá lốt, ngải cứu sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua. Nó không chỉ làm giảm hẳn triệu chứng đau nhức xương mà còn mang lại cảm giác rất dễ chịu.

Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể sử dụng ngải cứu, lá lốt, gừng tươi, xả với nước ấm để ngâm chân. Mỗi vật liệu khoảng 20g đổ thêm 1,5 lít nước đun sôi khoảng 15 phút rồi chắt nước pha thêm nước lạnh nhiệt độ khoảng 40 – 45C. Sau đó ngâm bàn chân ngập cổ chân khoản 20 – 30 phút cũng sẽ rất tốt cho xương khớp.

Vào mùa gừng, bạn cũng có thể chăm sóc đôi bàn chân bằng cách dùng gừng tươi rửa sạch, giã nhỏ ngâm với rượu, mỗi tối chắt ra một chén nhỏ để ngâm chân.

Một số lưu ý cần biết khi ngâm chân

Khi ngâm chân, nên ngâm ngập cổ chân, trên mắt cá khoảng 2cm. Đây là nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ khi ngâm chân vì ở cổ chân có 3 đường kinh dương (túc thiếu dương đởm, túc dương minh vị, túc thái dương bàng quang) 3 đường kinh âm (túc thái âm tỳ, túc thiếu âm thận, túc quyết âm can) đồng thời là nơi có nhiều huyệt nguyên, huyệt tỉnh nên phải để nước ngập cổ chân cho thuốc tác động lên các huyệt đạo, các đường kinh, can, tỳ, thận, bàng quang, kinh đởm, kinh vị làm cho khí huyết trong kinh mạch này lưu thông để từ đó tác động lên toàn bộ cơ thể.

Nên ngâm chân thường xuyên mỗi ngày. Sau khi ngâm xong bao giờ cũng dùng khăn khô lau sạch.Vào mùa đông thì lập tức ủ ấm.Chú ý không nên ngâm chân với mật ong vì trong mật ong thành phần chủ yếu của là đường, đường không thấm qua da. Nếu trên da có các vết thương phần mềm thì có thể bôi đắp trực tiếp.

Hiền Hậu
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.