Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã hoàn thiện bản đồ gien của muỗi Aedes aegypti, tạo tiền đề để tìm ra các biện pháp phòng chống bệnh sốt vàng da và sốt nhiệt đới do loài muỗi này truyền nhiễm.
Muỗi: Kẻ thù của con người
Bạn có biết, con gì giết người nhiều nhất không? – Muỗi! Đó chính là con vật giết người nhiều nhất. Nói không ngoa, theo số liệu do ngành y tế đưa ra, hằng năm có hàng triệu người trên thế giới chết vì các căn bệnh do muỗi truyền nhiễm như sốt rét, sốt vàng da, sốt nhiệt đới (sốt dengue)…
Theo các nhà khoa học, hàng năm căn bệnh sốt rét gây ra cái chết của 1,5 triệu người, chủ yếu là trẻ em châu Phi. Còn đối với căn bệnh sốt vàng da, Tổ chứcY tế thế giới (WHO) cho biết hằng năm có khoảng 30.000 người trên thế giới chết vì căn bệnh này.
Mặc dù đã có một loại vắc xin được đưa vào sử dụng từ mấy thập kỷ nay nhưng số người mắc bệnh sốt vàng da vẫn tăng lên trong suốt 20 năm qua. Riêng bệnh sốt nhiệt đới xảy ra trên khoảng 100 nước thuộc khu vực nhiệt đới và làm 25.000 người chết mỗi năm. Hiện chưa có một loại vắc xin nào phòng chống căn bệnh này.
Sờ đồ muỗi tấn công người và lây truyền bệnh (Ảnh: imm.ul.pt)
Bản đồ gien muỗi: Vũ khí lợi hại…
Có khoảng 3.500 loài muỗi nhưng muỗi Aedes aegypti và muỗi Anopheles là hai loài nguy hiểm nhất đối với tính mạng con người. Bộ gien muỗi Anopheles gambiae mang mầm ký sinh gây bệnh sốt xuất huyết đã được công bố vào năm 2002.
Giờ đây, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã xây dựng được bản đồ các gien thuộc hệ thống miễn dịch của muỗi Aedes aegypti, loài vật mang mầm bệnh sốt vàng da và sốt nhiệt đới. Nói về ý nghĩa của nghiên cứu trên, Vishvanath Nene, trưởng nhóm nghiên cứu, làm việc tại Viện J. Craig Venter đóng trụ sở tại Rockville, Maryland, phát biểu: “Đây là sự kiện y tế lớn mang tính toàn cầu”.
Nhóm đã so sánh các gien miễn dịch của muỗi Aedes với loài ruồi hút nhựa hoa quả và muỗi Anopheles. Kết quả cho thấy các gien miễn dịch của hai loài muỗi khác nhau có cùng một số điểm tương đồng , nhưng đồng thời cũng có một số điểm khác biệt. Điều đó giải thích tại sao muỗi Aedes truyền bệnh sốt vàng da và sốt nhiệt đới trong khi muỗi Anopheles truyền bệnh sốt xuất huyết.
Bắt muỗi để nghiên cứu (Ảnh: aaes.uark.edu)
Theo báo cáo của các nhà khoa học trên tờ Science, bộ gien muỗi Aedes lớn hơn gấp năm lần so với bộ gien của muỗi Anopheles. Cả hai đều có khoảng 16.000 gien nhưng muỗi Aedes có nhiều vùng chưa được xác định rõ ràng chức năng sinh học.
Dò tìm được loại gien tham gia vào quá trình truyền nhiễm virus là một bước khởi đầu tốt đẹp giúp các nhà nghiên cứu tìm ra phương pháp mới chống lại những căn bệnh này.
Muỗi Anopheles (Ảnh: Eb.com) |
Theo họ, với bản đồ gien muỗi này, họ có thể nghiên cứu thuốc diệt côn trùng hiệu quả hoặc tạo ra các phiên bản cấu trúc di truyền của loài muỗi này khiến chúng mất hoặc giảm khả năng truyền nhiễm virus gây bệnh sốt vàng da và sốt nhiệt đới.
Muỗi xuất hiện lần đầu tiên cách đây khoảng 170 triệu năm trong Đại Khủng long. Các nhà khoa học cho rằng loài muỗi gây sốt vàng da và sốt nhiệt đới đã phân hoá cách đây khoảng 150 triệu năm.
Theo một trong các nhà nghiên cứu, David Severson, trường Đại học Notre Dame, những loài muỗi này rất khoẻ mạnh, thức ăn yêu thích của chúng là máu người. Dáng vẻ và hành vi của chúng rất khác biệt và cấu trúc gien của chúng cũng rất, rất khác biệt.
Aedes là loài muỗi nhỏ, màu đen, trên thân có những đốm trắng và những cái chân dài. Muỗi Aedes có thể truyền bệnh khi chúng hút máu người làm thức ăn. Chúng có nguồn gốc ở Châu Phi. Qua hàng mấy thế kỷ, con người đã vô tình nhân rộng loài muỗi này ra khắp thế giới trong những chuyến đi vượt đại dương của họ.
Nhà nghiên cứu Severon hài hước nói: “OK, đó là một loài muỗi thực sự đẹp“, và ông nói thêm: “Chỉ có nhà côn trùng học mới yêu được chúng…”
Hằng Minh
Theo Reuters, Softpedia News, VietNamNet