Tình trạng toàn cầu ấm lên có thể làm tan chảy hầu hết lớp băng phía trên cùng vùng đất đóng băng lâu năm ở Bắc cực trước khi thế kỷ này kết thúc, đó là dự báo của một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu khí hậu trung tâm của Mỹ do nhà khoa học khí hậu David Lawrence dẫn đầu.
Khi băng tan, chúng sẽ thả vào khí quyền một lượng lớn khí carbon, đồng thời đe dọa các dòng chảy ở đại dương và làm lụt lội đường sá, nhà cửa ở Canada, Alaska và Nga. Đất đóng băng hiện chiếm khoảng 1/4 bề mặt đất ở Bắc cực với lớp trên cùng được cho là giữ ít nhất 30% lượng carbon trên trái đất.
Tiến sĩ Lawrence và các cộng sự đã sử dụng máy tính để đo sự tương tác giữa khí quyển, đại dương, băng ở đất và băng ở biển, cũng như sự tan đất đóng băng. Lấy giả định là dioxide carbon và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác tiếp tục được thải ra từ các phương tiện cơ giới, nhà máy điện và các nguồn khác, các nhà khoa học nhận được kết quả là vùng đất có độ băng dày khoảng 3,5 m trên bề mặt Bắc cực sẽ co lại từ 4 triệu dặm vuông (một dặm = 1,6 km) xuống còn 1 triệu dặm vuông vào năm 2050.
Đến năm 2100, vùng đất này chỉ còn khoảng 400.000 dặm vuông, tức mọi việc sẽ diễn ra chỉ trong vòng một thế kỷ. Tháng tám năm nay, các nhà khoa học nghiên cứu ở Siberia đã báo cáo về một hiện tượng tan băng vô tiền khoáng hậu ở bãi bùn lớn nhất thế giới tại đây, mà họ e sợ đang thải ra hàng tỉ tấn methane, một loại khí nhà kính còn “độc” gấp 20 lần dioxide carbon.
Trong khi đó, Thượng viện Mỹ vừa bác bỏ một đề án cho phép khai thác dầu tại vùng mỏ có trữ lượng lớn nhất nước Mỹ đang nằm bên dưới Khu vực bảo vệ động vật hoang dã Alaska. Phái Cộng hòa đã mong đề án này được thông qua để đưa kế hoạch khai thác dầu tại Alaska vào luật về chi tiêu quốc phòng quyết định các khoản tiền cho quân đội Mỹ ở Iraq và việc cứu trợ nạn nhân bão Katrina.
TH.TÙNG
Theo Tuổi Trẻ