Lượng các chất hữu cơ, hòa tan trong các phần nước sâu ở Bắc băng dương, tăng lên gấp đôi sau 12 năm. Theo người phụ trách Phòng thí nghiệm Sinh thái học đại dương, thuộc Viện Thủy sản và Hải dương học Natalia Lalina, điều này là dẫn chứng chắc chắn cho phép khẳng định Trái đất đang nóng lên.
Trong cuộc Hội nghị “Nghiên cứu biển tại vùng cực” họp tại Petersburg, bà Lalina cho biết: “Từ năm 1996 đến năm 2008, độ hoà tan trong nước của các chất hữu cơ tại tầng nước sâu vùng Bắc băng dương thuộc LB Nga đã tăng lên từ 1,5 đến 2 lần”.
Băng giá vĩnh viễn tại Siberia bắt đầu tan chảy.
Trong bản báo cáo, bà và những đồng nghiệp đã so sánh các số liệu về lượng các chất hữu cơ thu được trong cuộc khảo sát của các nhà khoa học Đức trên con tàu “Ngôi sao cực” năm 1966 và cuộc khảo sát của các nhà khoa học Nga trên con tàu “Viện sĩ Fedorov” năm 2008. Các nhà nghiên cứu đã đo hàm lượng các chất hữu cơ bao gồm cacbohydrat, lipid, protein cũng như clorophyl và carotenoit (các chất màu thực vật) hoà tan trong nước của Bắc băng dương.
Bà Lalina nhận xét là, các chất hữu cơ tại Bắc băng dương về cơ bản được tích lũy lại do nước thải từ các dòng sông chảy qua lục địa đổ ra biển, mà phần lớn nhất là nước thải của các dòng sông tại Siberia, một phần nhỏ hơn từ Đại Tây dương đổ về.
Theo lời bà, nguyên nhân chủ yếu làm tăng lượng các chất hữu cơ tại Bắc băng dương có thể do sự tan chảy của băng giá vĩnh viễn tại Siberia (một trong những dẫn chứng sự nóng lên của Trái đất trên diện rộng) và tăng sự chuyển tải các chất hữu cơ của các dòng sông ra đến tận Bắc cực.
Theo Rian.ru, Vietnamnet