Chúng ta đã quá quen thuộc rằng Mặt trăng là một vệ tinh của Trái đất. Nhưng liệu có mãi mãi như vậy không? Tổng giám đốc Viện chế tạo máy bay Nga, Gennadi Raikunov cho rằng sớm muộn thì “chị Hằng” cũng rời khỏi quỹ đạo của Địa cầu để trở thành một hành tinh độc lập. Và khi đó, Trái đất sẽ biến thành một bãi sa mạc hoang vu.
Raikunov tin rằng Mặt trăng hoàn toàn có thể lặp lại số phận của sao Thủy, như các giả thuyết đã từng nói: sao Thủy vốn là vệ tinh của sao Kim nhưng đã tách ra thành một hành tinh riêng. Sau đó, điều kiện của sao Kim không còn thuận lợi cho sự sống, mặc dù hành tinh này cũng thuộc loại giống như Trái đất.
Sẽ đến lúc Mặt trăng rời bỏ Trái đất. Ảnh minh hoạ.
Trong cuộc Triển lãm máy bay tại Bourger (Pháp), Tổng giám đốc Viện chế tạo máy bay Nga đã tuyên bố: “Mỗi năm, Mặt trăng lại xa Trái đất một chút. Sẽ có một ngày Trái đất sẽ rơi vào tình trạng bất lợi như sao Kim, không thể sống được nữa vì khí quyển bị ô nhiễm nặng nề, áp suất rất cao, hiệu ứng nhà kính trở nên nguy hiểm…”.
Theo nhà khoa học này, các nhà nghiên cứu vũ trụ phải quan tâm đến việc nếu mất đi vệ tinh thiên nhiên của mình, trên Trái đất sẽ xảy ra những chuyện gì để có kế hoạch ứng phó.
Gennadi Raikunov là người từ rất lâu đã quan tâm đến Mặt trăng. Ông đã gọi Mặt trăng là “lục địa thứ bảy” của Trái đất và nêu ý kiến cần phải xây dựng nó thành một căn cứ đa chức năng, với mục đích chính là để khai thác nguồn tài nguyên trên đó.
Hiện nay Mặt trăng chuyển động xung quanh Trái đất trên quỹ đạo hình ellip theo chiều ngược kim đồng hồ (nếu nhìn từ cực Bắc) với tốc độ chừng 1,02 km/giây. Một chuyên gia của Viện thiên văn mang tên Sternberg khẳng định rằng Mặt trăng đang xa dần Trái dất nhưng không đáng kể, mỗi năm chỉ 38 milimet. “Phải hàng tỷ năm nữa chu kỳ quay của Mặt trăng quanh Trái đất mới tăng lên gấp rưỡi. Nó không thể bay khỏi Trái đất. Nó lấy năng lượng đâu mà “chạy trốn” được ?”, ông nói.
Một nhà khoa học khác của Viện này là Vladimir Surdin cho biết: Quá trình đang cách xa khỏi Trái đất của Mặt trăng không phải vô tận. Đến một thời điểm nào đó, nó sẽ bị hút lại. Ông nói thêm: Dưới ảnh hưởng của thủy triều Mặt trời (chứ không phải Thủy triều của Mặt trăng) gây ra, tốc độ quay của Trái đất giảm dần nên tốc độ rời xa Trái đất của Mặt trăng cũng giảm đi. Năm tỷ năm sau, bán kính cực đại của quỹ đạo Mặt trăng chỉ còn 463.000 km.
Ông nhận định: “Điều khẳng định “Mặt trăng sẽ từ bỏ quỹ đạo của Trái đất để trở thành một hành tinh” như Raukunov nói sẽ không bao giờ xảy ra. Thủy triều Mặt trời, tuy yếu ớt song vẫn tiếp tục lảm Trái đất quay chậm lại, mà điều này làm Mặt trăng càng gần Trái đất hơn”.
Nhiều nhà khoa học khác cũng cho rằng cho dù Mặt trăng có không còn là vệ tinh của Trái đất nữa thì nó cũng không biến Trái đất thành một hành tinh chết chóc như sao Kim. Người đứng đầu phòng thí nghiệm Hành tinh học so sánh của Viện Địa hoá học và Hoá phân tích thuộc VHLKH LB Nga là Alexandr Bazilevski bình luận: “Giả sử Mặt trăng có bỏ chúng ta mà đi, đêm sẽ tối đen, không còn nước Thủy triều lên xuống nơi biển khơi thì chúng ta vẫn sống“.
Các đồng nghiệp của Raikunov cũng không đồng ý với ông là sao Thủy trước đây đã từng là vệ tinh của sao Kim. Bazilevski cho rằng: “Những tính toán chứng minh rằng điều này có thể xảy ra, chứ không phải đã từng xảy ra”, cũng như “Trái đất và sao Thủy không phát triển giống nhau vì bầu khí quyển của sao Thủy chứa nhiều đồng vị nặng của hidro là đơteri mà Trái đất thì không.
Điều này cho thấy xưa kia trên sao Thủy có khá nhiều nước. Khi nước bị phân huỷ trên tầng cao thành hidro và ôxi thì những đồng vị nhẹ của hidro thoát vào vũ trụ nhanh hơn các đồng vị nặng”.
Tóm lại, chẳng có gì phải lo lắng. Ít ra năm tỷ năm nữa, chúng ta vẫn có những cuộc dạo chơi lãng mạn dưới ánh trăng thanh.
Theo VietNamNet (Pravda)