Bão lớn bùng nổ toàn cầu, vì sao?

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân loại đã phải chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của nhiều cơn bão. Tại sao bão lại xuất hiện với tần số ngày càng dày đặc và mức độ tàn phá ngày càng ác liệt như vậy?

Cảnh tang hoang sau bão

“Tỷ lệ các cơn bão mạnh đã tăng lên gần gấp đôi trong một thập kỷ qua” – các chuyên gia khí tượng thuỷ văn trên thế giới khẳng định chắc nịch. Tuy nhiên, về nguyên nhân của hiện tượng này hiện còn gây nhiều tranh cãi.

Tài liệu nghiên cứu của Viện Công nghệ Georgia chỉ ra rằng, bão lớn xuất hiện ngày càng nhiều liên quan đến sự ấm nóng toàn cầu đã kéo dài trong vòng vài chục năm. Xu hướng này có liên quan đến sự gia tăng đều đặn nhiệt độ của gần như tất cả các vùng biển nhiệt đới và không phải do sự biến thiên tự nhiên của khí hậu.

Nhiệt độ mặt biển ở khắp các vùng biển nhiệt đới đang tăng, ấm hơn khoảng 0,50C trong mùa bão so với cách đây 35 năm, tức là kể từ thập kỷ 1970. Đây chính là điều kiện tốt để hình thành bão mạnh, do nhiên liệu “tạo bão” là hơi nước bốc lên, ngưng tụ và giải phóng nhiệt khi nhiệt độ đại dương đạt trên 260C.

Khi nhiệt độ nước biển càng cao, năng lượng nơi đó sẽ càng mạnh. Chính sự tác động của con người, cụ thể như tàn phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, v.v… đã khiến trái đất không còn “mát mẻ” như xưa. Các nhà khoa học khuyến cáo, những cơn bão có sức huỷ diệt tương đương Katrina, với tốc độ gió trên 56m/s, có thể xuất hiện thường xuyên hơn trong một thế giới ấm hơn.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học khác lại cho rằng nghiên cứu trên “cần phải tìm thêm dữ kiện biện minh”. Họ lập luận: Trong số 60 trận bão lớn nhất ghi nhận được từ năm 1851, chỉ có 19 trận xảy ra sau năm 1960. Không kể cơn bão Kanitra, trong số mười trận bão lớn nhất lịch sử, có năm trận xảy ra trước 1930, và chỉ có hai trận xảy ra sau 1970.

Theo những chuyên gia này, nguyên nhân bão lớn liên tiếp vừa qua không phải sự ấm nóng toàn cầu có “đóng góp” một phần lỗi của con người, mà là “thế giới đang trải qua một giai đoạn có nhiều bão lớn. Giai đoạn này nằm trong chu kỳ tự nhiên và có thể kéo dài 20 năm hoặc hơn nữa”.

Vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này được coi là kết luận chính thức cuối cùng. Cần phải tiến hành vô số các cuộc thử nghiệm mô phỏng trên máy vi tính. Trong khi đó, những công việc này lại không hề đơn giản.

Việt Nam không nằm ngoài sự biến đổi chung của khí hậu toàn cầu

Bão, lũ cuốn trôi một đoạn đường quốc lộ

Trong khi đó, Việt Nam, một nước vốn được coi là ít bão lớn do may mắn có địa lợi, ngày 27/9 vừa qua cũng vừa phải chống chọi với cơn bão số 7 có tên quốc tế là Damrey, mạnh hiếm thấy trong vòng mười năm trở lại đây.

Ông Lê Văn Thảo, trưởng phòng Dự báo Hạn ngắn, Trung tâm Dự báo Khí tượng– Thủy văn trung ương khẳng định điều trên sau một tuần gần như thức trắng để “canh” bão.

Ông Thảo cho biết, lâu lắm mới có một cơn bão đỏng đảnh và rắc rối đến thế. Nó hình thành lúc 19h00 tối 21/9 ở phía Bắc Philippines. Lẽ ra đi theo hướng Tây- Tây Bắc để đổ bộ vào đại lục Trung Quốc, nó lại mạnh lên nhanh chóng và đổi hướng do nhiệt độ nước biển cao, khoảng từ 28-300C.

Trong phạm vi 24 giờ, bão liên tục thay đổi đường đi, lúc chuyển lên phía Bắc, lúc xuống phía Nam, lúc ngả sang Tây Bắc, khi rẽ xuống Đông Nam. Phạm vi của cơn bão khá rộng, đường kính mắt bão lên đến 50 – 60km trong khi các mắt bão chỉ có đường kính trung bình là 30km.

Tốc độ gió càng lớn, lực ly tâm càng mạnh và, vì thế, đường kính bão càng rộng. Bất thường nữa của bão số 7 là gây mưa nhiều nơi nhưng tổng lượng mưa không lớn so với tầm cỡ một cơn bão; rồi việc xuất hiện một cơn bão lớn như vậy vào thời điểm sang Thu – vốn không thuận lợi cho sự hình thành bão, cũng là hiện tượng tương đối hiếm trong vòng nhiều năm qua.

Tổng kết về thiệt hại do bão số 7 gây ra chủ yếu là thất thoát về hoa màu và thuỷ hải sản, cho thấy công tác dự báo được thực hiện kịp thời, chính xác. Tuy nhiên, bão số 7 chưa kịp tan hết, ông Thảo đã “kịp” có nỗi lo mới.

Tính đến nay, vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương đã trải qua gần hai chục cơn bão. Như vậy, so với trung bình nhiều năm, thời điểm cuối năm sẽ còn ít nhất mười cơn bão nữa. Ai dám chắc trong số đó không có những cơn bão mạnh như thế hoặc hơn thế tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam?

Thời tiết ngày càng đỏng đảnh, ông Thảo thừa nhận như vậy và cho rằng, lỗi này bị “đổ” phần nhiều cho con người, vốn phải chịu trách nhiệm về tình trạng môi trường toàn cầu cũng như ở từng quốc gia bị hủy hoại ngày càng tàn khốc.

Mỹ Hằng

 

Theo Tiền Phong