Bảo vệ mắt để tránh nguy cơ bị viêm loét giác mạc

0
125
Bảo vệ giác mạc để tránh nguy cơ bị loét 1

Một trong những tổn thương rất nặng của giác mạc gây ảnh hưởng trầm trọng đến thị lực là bệnh loét giác mạc. Khi giác mạc bị viêm loét sẽ dẫn đến các di chứng và biến chứng như sẹo giác mạc, teo nhãn, lồi mắt và làm giảm thị lực, thậm chí mù lòa.

Giác mạc là một màng mỏng, trong suốt, không có mạch máu. Vì là một lớp rất mỏng, lại là bộ phận đầu tiên của mắt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên giác mạc rất dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut hoặc nấm xâm nhập.  Cùng xem cách bảo vệ mắt tránh nguy cơ bị giác mạc nhé

  • 1

    Những tác nhân vô tình

    Viêm loét giác mạc (VLGM) có thể khởi đầu từ nguyên nhân tổn thương mắt, nhiễm khuẩn hay kết hợp cả hai. Do côn trùng, lá cây, bụi than, mảnh kính vỡ hay phoi tiện… chẳng may bắn vào giác mạc. Dùng kính sát tròng không đúng cách, tự dùng thuốc nhỏ không đúng, đặc biệt dùng thuốc nhỏ có chất dexa khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt; các bệnh đau mắt đỏ, lông quặm không được điều trị, hở mi do liệt thần kinh số VII… là căn nguyên gây loét giác mạc. 

    Bảo vệ giác mạc để tránh nguy cơ bị loét 1

    Những trường hợp tổn thương nhẹ như trầy giác mạc cũng có thể phát triển thành loét giác mạc tại vùng đó. Những trường hợp tổn thương nặng do hóa chất cũng có thể gây loét dạng không nhiễm khuẩn.

  • 2

    Biểu hiện và những di chứng khó lường

    Bệnh nhân viêm loét giác mạc có những triệu chứng sau:

    Đau nhức mắt: mắt đau nhức nhối  âm ỉ, từng lúc dội lên, bất cứ một tác động nào cũng làm tăng cảm giác đau (ánh sáng, va chạm).

    Chảy nước mắt: khi người bệnh tự mở mắt, hoặc vành mi mắt, nước mắt sẽ chảy ràn rụa.

    Chói, sợ ánh sáng: người bệnh luôn nhắm nghiền mắt, mi mắt nhắm chặt lại. Trẻ nhỏ thì luôn chúi đầu vào lòng mẹ, không dám mở mắt.

    Mắt nhìn mờ: thị lực giảm tùy theo mức độ của bệnh.

    Mắt bị VLGM sẽ đỏ, đặc biệt đỏ nhiều quanh tròng đen; xuất hiện đốm trắng to hay nhỏ ở bất cứ nơi nào trên giác mạc, nhưng thường ở trung tâm giác mạc; đôi khi sẽ thấy một ngấn mủ màu trắng ở trước tròng đen.

    VLGM nếu được điều trị tốt, khi lành bệnh sẽ để lại vết sẹo. Vết sẹo mỏng hay dày, to hay nhỏ tùy thuộc vào tình trạng của bệnh. VLGM tiến triển nặng hơn sẽ gây thủng giác mạc. Nếu lỗ thủng nhỏ có thể tự bít nhờ mống mắt. Nếu lỗ thủng to sẽ gây xẹp mắt và dẫn đến teo nhãn sau này. Kết quả điều trị phụ thuộc vào bệnh nhân đến sớm hay muộn, phụ thuộc vào độ lớn, độ sâu của vết loét và nhất là tác nhân gây bệnh.

    Bảo vệ giác mạc để tránh nguy cơ bị loét 2

    Giác mạc bị viêm loét.

  • 3

    Điều trị như thế nào?

    Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ cho những loại thuốc thích hợp. Chủ yếu là thuốc nhỏ tại chỗ. Chú ý, bệnh nhân VLGM không nên băng kín mắt, vì khi băng kín mắt sẽ làm cho mắt nóng, ẩm và bẩn. Những điều kiện này sẽ giúp cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn. Có thể đeo kính mát để bảo vệ mắt và giúp mắt bớt kích thích.

    Một số cách điều trị khác: điện di giác mạc: mục đích đưa thuốc vào giác mạc nhiều hơn; ghép màng ối: giúp cho vết loét mau lành và bít lỗ thủng giác mạc; ghép giác mạc: thay thế phần giác mạc bị loét biến chứng thủng, thay thế phần sẹo giác mạc.

    VLGM là một bệnh nặng và sẽ để lại di chứng về sau mặc dù được điều trị tốt, do đó vấn đề phòng bệnh là quan trọng nhất. Nếu đã bị VLGM thì nên đến khám tại bệnh viện có đủ điều kiện về chẩn đoán, xét nghiệm để tìm đúng nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp việc điều trị tốt hơn.

    Khi được khám xác định là viêm loét giác mạc, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ và tái khám theo định kỳ để phòng ngừa bệnh tái phát. Vì thường sau mỗi lần viêm loét tái phát, sẹo giác mạc sẽ dày hơn và thị lực giảm nhiều hơn so với lần trước hoặc có thể tiến triển trầm trọng hơn.

    Nếu bị các bệnh về mắt như viêm kết mạc (đau mắt đỏ), lông quặm, hay xuất hiện các triệu chứng nêu ở trên… người bệnh cần đi khám để được điều trị đúng cách, tránh biến chứng dẫn đến viêm loét giác mạc, không được dùng các loại lá cây hoặc côn trùng đắp vào mắt. Bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa khi bị đau mắt đỏ nếu không có điều kiện khám bệnh thì có thể dùng các loại thuốc nhỏ: chloramphenicol, gentamycine, tobramycin. Tuyệt đối không dùng loại thuốc có chất dexa để nhỏ khi không có sự đồng ý của bác sĩ nhãn khoa.