Nhiều bạn trẻ Việt Nam mời tôi ăn thịt rừng… Điều đó không sai nhưng ai cũng thích ăn thịt rừng thì sẽ gây hại đến thiên nhiên! Bảo vệ động vật hoang dã cần xuất phát từ ý thức của mỗi cá nhân… TS Jane Goodall trao đổi với phóng viên VietNamNet.
– Bà là một người nổi tiếng trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, đã cống hiến suốt đời cho vấn đề bảo vệ động vật hoang dã, bà có thể cho biết dựa trên những nghiên cứu cùng kinh nghiệm cá nhân của bà, tại sao chúng ta phải tăng cường bảo vệ động vật hoang dã? Vấn đề đó ngày nay trở nên cấp thiết như thế nào?
TS. Jane Goodall: Chúng ta càng nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã thì càng gìn giữ được hệ sinh thái xung quanh chúng ta và cả một hệ thống sự sống. Mặt khác, mỗi loài động vật khác nhau cần một môi trường sống khác nhau, động vật hoang dã trong tình hình hiện nay cần được bảo vệ vì môi trường sống của chúng bị chính con người thu nhỏ lại, những mối nguy hiểm của chúng một phần lớn cũng do chính con người gây ra.
Tiến sĩ Jane Goodall (Ảnh: V. Giang) |
– Trước khi đến Việt Nam, bà đã có kịp tìm hiểu qua về tình hình bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam? Nếu có, bà có thể cho biết vài suy nghĩ của bà? Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác có thể tham gia vào việc bảo vệ động vật hoang dã như thế nào?
Tôi có đọc trên báo chí trước khi đến Việt Nam và biết rằng một số loài vật quí hiếm ở đây đang bị tuyệt chủng dần. Người ta săn bắt động vật quí bán qua biên giới Trung Quốc để làm thuốc, lấy lông để phục vụ nhu cầu của mình. Sang tới đây, được chứng kiến cảnh tay gấu, chân gấu, những loài rắn quý, động vật quý đều đưa đi ngâm rượu, với tôi điều này rất đáng lên án.
Tham gia vào việc bảo vệ động vật hoang dã, trước hết cần đánh thức ý thức từ trong mỗi cá nhân. Từ ý thức ấy sẽ nâng một tầm cao hơn là ý thức cộng đồng. Bảo vệ động vật hoang dã là một phần trong bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn cho môi trường của chính mình và cộng đồng.
– Chúng tôi được biết, bà có tham gia tích cực vào vấn đề gọi là “Quyền của loài vật” (“Animal rights activism”) và bà đồng thời là chủ tịch hội ủng hộ động vật (president of Advocates for Animals) nhằm chống lại việc sử dụng động vật vào các mục đích như nghiên cứu y học, thể thao (làm trò giải trí)… đây là một vấn đề khá mới lạ ở Việt Nam… Bà có thể cho biết thêm về những hoạt động này của bà?
Những hoạt động chính của tôi đó là làm việc với các bạn trẻ, làm cho giới trẻ họ hiểu được vấn đề động vật quí hiếm đang bị săn bắt như thế nào. Bởi vì có nhiều người không ý thức được vì sao họ lại thích mặc áo lông thú, vì sao họ thích ăn thịt rùa, thịt gấu…
Nhiều bạn trẻ Việt Nam mời tôi đi ăn, họ đãi tôi những món thịt rừng. Điều đó không có gì sai, nhưng quả thật, nếu mọi người đều thích như thế, nó gây hại đến thiên nhiên.
Bản thân tôi không ăn thịt rừng vì tôi không ăn được, nhưng tôi thường khuyến khích các bạn trẻ hãy ăn ít thịt lại. Chúng ta hãy yêu quí động vật. Nuôi dưỡng động vật thật khó khăn nhưng giết chúng rất dễ dàng. Và đặc biệt có những loài vật có đời sống tâm lý tình cảm rất gần với con người như tinh tinh, chúng ta cần bảo vệ chúng. Việc sử dụng động vật vào bất cứ mục đích gì (cho dù là phục vụ đời sống cộng đồng, tiến bộ khoa học) đều đáng lên án vì đó là việc trái với tự nhiên là bảo vệ và gần gũi, phát triển chúng.
– Và ở đây cũng xin có một thắc mắc vì chưa được rõ, làm thế nào chúng ta cân bằng được giữa các vấn đề về việc khai thác nguồn lợi thiên nhiên với việc phát triển kinh tế, cũng như đảm bảo việc thu nhập cho một bộ phận dân cư?
Đây là một câu hỏi khó vì tôi không hiểu rõ về Việt Nam. Tuy nhiên, theo chỗ tôi biết thì Việt Nam có phát triển một số dự án cho người dân ở các khu rừng có động vật cần bảo tồn, mục đích hướng tới bảo vệ môi trường thiên nhiên, động vật hoang dã.
TS Jane Goodall tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi – TPHCM (Ảnh: WAR) |
Một bên là hủy hoại thiên nhiên để rồi thế hệ sau của chúng ta sẽ không còn gì nữa. Những đứa trẻ sau này có thể sẽ không còn nhìn thấy những con hổ, những con gấu trong rừng nữa, mà chỉ có thể thấy chúng trong sách vở, trong phim ảnh.
Một bên là khai thác thiên nhiên để cải thiện cuộc sống nghèo khổ của những người sống gần các khu rừng có động vật cần bảo tồn.
Chúng ta đề cập đến sự cân bằng về kinh tế? Thật ra đó là sự ngụỵ biện, vì lợi ích của một nhóm người thiểu số. Chúng ta cần nghĩ xa hơn…
– Bà đặt mục tiêu gì cho chuyến đi Việt Nam lần này?
Tôi đến Việt Nam lần này là theo lời mời của tổ chức Wildlife at risk. Và chỉ có thể ở đây 2 ngày. Một phần nhiều thời gian này, tôi đã gặp gỡ sinh viên, học sinh, các bạn trẻ Việt Nam. Họ gây được ấn tượng tốt với tôi. Họ chú ý lắng nghe những gì tôi nói về bảo vệ thiên nhiên. Họ cũng đặt nhiều câu hỏi hóc búa cho tôi. Tôi nhận thấy giới trẻ Việt Nam cũng ý thức được tầm quan trọng của thiên nhiên tác động lên đời sống thế nào.
Trong 2 ngày ở đây, tôi cũng để ý thấy lớp trẻ Việt Nam cũng yêu thương động vật. Điều đó rất quan trọng đối với việc giáo dục lớp trẻ. Tôi không làm gì nhiều được cho những bạn trẻ ngoài việc truyền cho họ đam mê, hứng thú và niềm hy vọng vào một môi trường thiên nhiên tốt đẹp. Và đây cũng là trách nhiệm của tôi.
Tôi tìm được vài cộng sự Việt Nam trong chuyến đi này. Đặc biệt, thấy những điểm chung về ý thức, tình cảm dành cho động vật hoang dã ở các bạn trẻ Việt Nam. Ý thức và mục đích của các bạn rất giống với mục tiêu chương trình Roots &Shoots của tôi (chương trình bảo vệ môi trường, động vật hoang dã dành cho các bạn trẻ, đã hơn 1000 nhóm bạn trẻ của gần 100 quốc gia tham gia). Tôi sẽ còn quay lại Việt Nam với dự án mới.
Vinh Giang (Thực hiện)
Theo Vietnamnet