Bên trong khoang thí nghiệm tàu lên sao Hỏa là căn phòng kín không có cửa sổ. Ảnh: BBC. |
Thử nghiệm để tìm hiểu con người có thể hành trình lên sao Hỏa và quay về trái đất hay không vừa được mở màn tại Matxcơva, với sự tham gia của 6 tình nguyện viên đến từ Nga, Pháp và Đức.
Các tình nguyện viên quốc tế được đưa vào khóa chặt trong một khoang tàu nghiên cứu vũ trụ, nhằm giả định các điều kiện của một chuyến bay có người lái tới Hỏa tinh kéo dài trong hai năm. Những người nào chịu đựng được hơn 100 ngày thử nghiệm với điều kiện bị cách ly và giam chặt như các phi hành gia đích thực sẽ kiếm được 20.000 USD tiền thưởng.
Nếu bất cứ ai trong số 6 tình nguyện viên nói trên bị ốm, họ sẽ được phép thoát ra ngoài sớm. Bên trong mô hình tàu vũ trụ này, các phi hành gia tình nguyện sẽ thực hiện công việc hàng ngày theo lịch trình, cũng phải đối mặt với khó khăn và vấn đề liên lạc với trạm điều khiển đúng như điều kiện mà các phi hành gia gặp phải khi hành trình trong không gian.
Bên ngoài mô hình thí nghiệm tàu vũ trụ lên sao Hỏa của Nga. Ảnh: BBC. |
Chỉ huy tàu vũ trụ mô hình này của Nga là Sergei Ryazansky khẳng định: “Thí nghiệm không phải là trò đùa mà thực sự nghiêm túc”. Ông cho biết thêm, dù bất cứ tình nguyện viên nào cũng có thể ra ngoài sớm nếu không thể chịu đựng được thêm, họ sẽ làm mọi cách thuyết phục nhóm ở trong đó đủ 105 ngày.
Một trong những tình nguyện viên là Cyrille Fournier cho biết trước khi bước vào mô hình tàu vũ trụ: “Tôi cảm thấy rất quyết tâm. Chúng tôi đã làm việc trong một thời gian dài và cuối cùng chúng tôi có thể tiến tới điểm bắt đầu”. Tình nguyện viên khác là Oliver Knickel thì bày tỏ: “Thách thức đặt ra là sống chung với người khác trong một giai đoạn dài nhưng đó là thách thức tích cực. Chúng tôi nghĩ sẽ học hỏi được rất nhiều từ nhau”.
Cuộc thí nghiệm này là dự án chung giữa Viện các vấn đề y tế sinh học thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga với Cơ quan không gian châu Âu (ESA). Phát ngôn viên của viện trên là Pavel Morgunovcho biết: “Đây là giai đoạn ban đầu và là thí nghiệm ngắn. Trong khi thí nghiệm chính dài 520 ngày dự kiến sẽ mở màn vào cuối năm 2009 hoặc đầu 2010”.
Theo VnExpress (BBC)