Bệnh chàm là bệnh ngoài da khá phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới. Chàm làm ảnh hưởng lớn đối với việc sinh hoạt hàng ngày của người bệnh cũng như làm người bệnh rất dễ mất tự tin trong công việc và giao tiếp hàng ngày trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người khi mắc phải bệnh chàm cũng rất mơ hồ về biểu hiện và cách chữa trị căn bệnh này. Vì thế, nhiều người chấp nhận “sống chung với lũ” thay vì tìm hiểu để chữa trị tận gốc.
Chị Trần Thị Lan Anh (quê Vĩnh Phúc) cho biết: “Tôi không biết là có phải chàm không nhưng tôi bị từ lúc mới sinh ra, càng ngày vết xám ăn lan ra và bây giờ lan hết cánh tay rồi. Mới đây, tôi phát hiện bị thêm một bên ngực nữa. Tuy không ngứa cũng không rát. Nhưng tôi muốn đến khám xem có thể chữa được không vì tôi ngại khi bị người khác nhìn thấy”.
Được cho là bệnh không nguy hiểm nên bệnh chàm không được người bệnh chú ý để chữa trị. Tuy nhiên, nếu bạn có dấu hiệu bị chàm thì chớ chủ quan.
Chàm là căn bệnh phổ biến
Chàm có tên khoa học là Eczema. Khoảng 10% dân số trên thế giới mắc bệnh chàm. Tại London, 18% bệnh chàm được tìm thấy trong các đối tượng đến khám bệnh. Chiếm 17% trong tất cả các bệnh tại Hy lạp là bệnh chàm. Ở Việt Nam, con số này là 25% người mắc bệnh chàm trong tổng số các bệnh ngoài da. Vì thế, chàm được coi là căn bệnh khá phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp không phân biệt độ tuổi, giới tính.
Bệnh chàm có nhiều dạng và hầu như mỗi người một vị trí khác nhau. Có người thì bị chàm môi, chàm ở các đầu ngón tay, chàm vai, lưng thậm chí là bộ phận sinh dục. Chàm ở thể nhẹ thì khô hoặc ngứa, còn thể nặng có thể trở nên nứt, trầy xát, mưng mủ và chảy nước vàng.
Bệnh chàm là bệnh ngoài da khá phổ biến (Ảnh minh họa).
Nguyên nhân vì sao bị bệnh chàm
Lý giải về nguyên nhân của bệnh chàm, bác sỹ Trần Văn Đông cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh chàm, có thể do bẩm sinh hoặc do thời tiết lạnh, stress, mặc đồ len, tiếp xúc với chất tẩy rửa, xà phòng, dầu thơm, đổ mồ hôi nhiều và phấn hoa… tất cả đều có thể khiến da bạn bị chàm”.
Chàm được cho là bệnh có sức tác động khá lớn bởi những biến đổi về mặt địa lý, chủng tộc, yếu tố thời tiết và cơ địa. Ở các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới có độ ẩm cao như ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh chàm thường cao hơn các nước ở khu vực khác.
Chàm xuất hiện trên cơ thể bởi những nguyên nhân như:
-Do yếu tố cơ địa: Thường chàm có yếu tố di truyền, tiền sử trong gia đình có người bị chàm thì trẻ sinh ra cũng rất dễ bị chàm. Lúc đầu có thể vết chàm xuất hiện nhỏ như trên mông, tay hay chân trẻ, một số ít trẻ thiếu may mắn bị vết chàm trên mặt. Ngoài ra, chàm có thể xuất hiện khi cơ thể bị rối loạn chức năng bài tiết, thần kinh, tiêu hóa. Hoặc một số nguyên nhân khác như người bệnh có tiền sử bị suyễn, viêm xoang mũi, viêm gan, viêm đại tràng, các bệnh về thận, viêm tai.
-Do nguyên nhân dị nguyên: tức là những chất có tính kháng nguyên bị lọt vào cơ thể như các hóa chất gây bệnh: xi măng, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa…thường gặp phải ở những người phải làm việc thường xuyên trong môi trường độc hại. Thậm chí có thể do tiếp xúc với các đồ vật hằng ngày như: quần áo, chăn màn, giầy dép, kem dưỡng thể. Hoặc do ăn phải các thức ăn lạ, không phù hợp với cơ thể người bệnh.
-Do sức đề kháng cơ thể yếu, chế độ ăn uống thiếu khoa học: Nguyên nhân này ít người nghĩ đến nhất nhưng trên thực tế, nếu bữa ăn hàng ngày không khoa học sẽ làm cho sức đề kháng cơ thể bạn yếu đi và phát sinh bệnh trong đó có bệnh chàm. Hoặc chế độ ăn uống không cân bằng, thiếu hoặc thừa chất như ăn quá nhiều đạm hoặc nhiều đồ nóng cũng là nguyên nhân khiến chàm tìm đến cơ thể bạn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh chàm
Chàm nhận biết rõ nhất ở trẻ nhỏ, trẻ mới sinh, sau đó bệnh kéo dài đến tuổi trưởng thành hoặc xuất hiện lần đầu khi có tuổi. Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu sau thì chứng tỏ bạn đang bị chàm:
– Trên da xuất hiện những mảng màu đỏ hoặc nâu xám
– Thấy có hiện tượng ngứa ngoài da, có thể ngứa nhiều hơn vào ban đêm
– Trên da xuất hiện những nốt sẩn nhỏ có thể mưng mủ, chảy dịch và đóng vảy
– Trên da bị nứt nẻ, khô hoặc bong vảy
– Các hiện tượng trên xuất hiện nhiều nhất trên bàn tay và bàn chân, cánh tay, khoeo chân, cổ chân, cổ tay, mặt, cổ, ngực thậm chí là bộ phận sinh dục.
Triệu chứng của bệnh chàm
Nắm được triệu chứng của bệnh chàm, sẽ giúp người bệnh chủ động trong việc điều trị. Trừ vết chàm do cơ địa, các vết chàm xuất hiện thông thường sẽ tiến triển theo 5 giai đoạn, phản ánh tình hình biến chuyển của mụn nước, mỗi đợt có thể kéo dài từ một vài ngày đến một vài tuần.
– Giai đoạn tấy đỏ: Vết thương bắt đầu ngứa rồi trở thành đỏ phù và nóng. Thường bị ở những vùng da dễ bị tổn thương như mi mắt, bao quy đầu… Trên bề mặt xuất hiện những hạt nhỏ màu trắng mà sau này sẽ tạo thành mụn nước.
– Giai đoạn nổi mụn nước: các mụn nước điển hình của bệnh chàm thường phát sớm trên nền da đỏ, có khi bị la ra vùng da lành. Kích thước nhỏ, đôi khi to bằng bọng nước mọc thành từng mảng chi chít, dày đặc và có chứa dịch bên trong.
– Giai đoạn chảy nước: mụn nước có thể vỡ đi do bệnh nhân gãi hoặc va chạm bị trầy, nước vàng chảy ra, khi thì từng giọt, khi thì dính vào quần áo. Để một thời gian, vết trầy sẽ đóng vẩy khô.
– Giai đoạn da nhẵn: sau một thời gian thì vết trầy sẽ đóng thành vẩy dày. Sau một thời gian vẩy khô sẽ bong ra để lộ lớp da nhẵn bóng mỏng như vỏ hành. Giai đoạn này ngắn.
– Giai đoạn bong vảy da: lớp da vừa tái tạo, tự rạn nứt bong vẩy thành mảng dày hoặc vụn như cám, hoặc da dày lên. Sau một thời gian khá lâu nếu không có mụn nước tái phát, da sẽ trở lại bình thường không có sẹo.
Tuy nhiên, triệu chứng ngứa sẽ kéo dài suốt thời gian bị bệnh, nghĩa là xuất hiện ngay từ thời kỳ đỏ da cho đến cuối giai đoạn. Ngứa từ bệnh chàm gây ra sẽ làm người bệnh rất khó chịu, bứt rứt và dễ dàng là tổn thương nặng hơn vết thương.
Cách chữa trị bệnh chàm
Như đã nói ở trên, bệnh chàm xuất hiện có rất nhiều thể và từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị bệnh chàm hiện nay là tích cực tìm ra nguyên nhân gây bệnh để tránh hoặc hạn chế tiếp xúc và sử dụng kết hợp dùng thuốc uống với thuốc bôi ngoài da theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Khi tìm ra nguyên nhân gây bệnh, cần có biện pháp để hạn chế bệnh thêm trầm trọng:
– Nếu bệnh nhân mắc phải một số bệnh là nguyên nhân gây ra bệnh chàm cần tích cực chữa căn bệnh đó song song với điều trị bệnh chàm.
-Nếu bệnh nhân bị dị ứng với một số loại thực phẩm, thức ăn hay một số thú vật thì nên hạn chế ăn và tiếp xúc càng ít càng tốt.
-Nếu bệnh nhân có chế độ ăn uống thiếu hợp lý khiến cơ thể bị nhiệt gây ra bệnh thì cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống hàng ngày, hạn chế các thực phẩm có tính nóng, các loại gia vị cay nóng,….
-Về sử dụng thuốc: Tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da cho phù hợp. Tốt nhất bạn nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để mang lại kết quả cao.Trong quá trình điều trị, bạn có thể kết hợp uống thêm viên uống vitamin e, viên uống alovera (tinh chất lô hội), mật ong pha nước ấm có tác dụng tái tạo tế bào da, kháng khuẩn, tiêu trừ viêm nhiễm rất hiệu quả.
-Bệnh nhân nên ăn thức ăn lỏng nhẹ, hạn chế ăn muối.
Phòng còn hơn chữa bệnh chàm
-Hãy tránh xa các thực phẩm dễ gây dị ứng, chế độ ăn uống thiếu hợp lý gây nhiệt cơ thể
-Không nên lựa chọn những nghề nghiệp dễ mắc bệnh, hạn chế tiếp xúc với môi trườn độc hại và làm việc phải có dụng cụ bảo hộ lao động.
-Uống đủ nước mỗi ngày: Đây là biện pháp rất đơn giản, dễ thực hiện mà rất hiệu quả. Nước sẽ giúp bạn thanh lọc cơ thể, bài trừ độc tố. Chính vì vậy, mỗi ngày bạn cần uống đủ từ 2-2,5 lít nước.
-Có chế độ ăn uống hợp lý: Ăn nhiều các thực phẩm có tính mát như: rau má, bí đao, bí đỏ, đậu xanh, trái cây và rau củ tươi và hạn chế những thức ăn có tính nóng, nhiệt dễ gây bệnh.
-Cần cẩn thận trước những thực phẩm lạ, dễ gây dị ứng cho cơ thể như: hải sản
-Giữ vệ sinh da sạch sẽ, thông thoáng.
-Đặc biệt, khi có dấu hiệu nghi bị bệnh chàm cần liên hệ ngay bác sĩ để có biện pháp chữa trị kịp thời để bệnh nhanh khỏi và dứt điểm.
Lazy
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.