Trong những bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến những căn bệnh của giới văn phòng như béo bụng, thoái hóa cột sống… nhưng chứng táo bón cũng là vấn đề khiến nhiều người làm việc bàn giấy đau đầu. Theo số liệu thống kê của Đại học Y Dược TP.HCM, tại Việt Nam, cứ 3 người thì có 1 người mắc bệnh táo bón, 59% số bệnh nhân bị táo bón là do những nguyên nhân chủ quan. Riêng những năm gần đây, tình trạng bệnh ở độ tuổi từ 25-35, đặc biệt là đối tượng dân văn phòng, đang ngày càng tăng mạnh.
Chị Thanh Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) mới đi làm được 3 năm nay, từ khi ra trường chị đã mắc căn bệnh táo bón do thói quen ăn uống ít rau xanh. Vấn đề này càng ngày càng nghiêm trọng hơn khi chị ngồi văn phòng 8-10 tiếng/ngày với vô số những công việc. Bản thân chị không hề mong muốn nhưng căn bệnh này cứ đeo bám, khiến bản thân chị Phương cũng thấy vô cùng mệt mỏi. Mỗi lần đi vệ sinh kéo dài cả tiếng đồng hồ, chị toát mồ hôi mà không xong.
“Mỗi lần cảm giác muốn đi đại tiện, tôi rất ám ảnh, mất 30 phút – 1 tiếng. Nhưng số lần đi rất ít, có những tháng 1 tuần mới đi 1 lần khiến cảm giác bụng luôn ì ạch, khó chịu và gây cảm giác mệt mỏi. Hậu quả là tôi bị thủng ruột do quá trình táo bón lâu ngày gây biến chứng ruột cấp dẫn đến thủng đại tràng xích-ma, thêm việc để lâu không có phương pháp điều trị đúng cách nên khi đưa tới bệnh viện thì đã quá muộn, gây biến chứng nặng nề”, chị Phương nói.
Cũng chung nỗi khổ như chị Phương, anh Mạnh (Đống Đa, Hà Nội) cũng là nhân viên văn phòng thường xuyên ngồi làm việc ở bàn giấy cả ngày, cho nên anh mắc chứng táo bón đã 6 năm nay. Mặc dù đã ăn uống với chế độ ăn bổ sung các loại rau, củ, quả, uống nước song tình trạng vẫn chưa mấy cải thiện.
Anh Mạnh nói: “Do tình trạng táo bón quá khó chịu cho nên mỗi lần đi đại tiện tôi phải rặn rất mạnh khiến cho trực tràng bị sa xuống một đoạn. Chính điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Trực tràng sa gây chất nhầy khó chịu, thậm chí ấn vào không được, mà chạm tay vô cùng đau đớn”.
Bệnh táo bón nguy hiểm
Bệnh táo bón xuất phát từ nhiều nguyên nhân có thể do chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Bữa ăn không kết hợp đa dạng thức ăn, thiếu chất xơ, rau quả chỉ ăn nhiều thịt, protein hoặc do cơ thể ít vận động, mải mê với công việc nên khi muốn đi đại tiện vẫn cố nhịn càng làm cho tình trạng táo bón nặng hơn. Mặt khác, mỗi ngày phải uống ít nhất 2 lít nước nhưng do bận rộn hoặc thói quen nên uống ít hơn dẫn đến tình trạng táo bón càng ngày càng khó chịu.
Trao đổi với chúng tôi bác sĩ Thanh An (Chuyên khoa Tiêu hóa) cho hay, thực tế, bệnh táo bón ở công sở ngày càng phổ biến. Bởi các tiện ích khi đi làm khiến cho nhân viên công sở càng ngày càng lười vận động, thậm chí ngồi lì hàng tiếng đồng hồ. Khi muốn đi đại tiện vẫn cố chơi nốt trận game, đọc nốt mẩu tin trên báo hoặc xem nốt báo cáo…làm cho thời gian bị kéo giãn ra hình thành thói quen.
Cũng có thể bệnh táo bón xuất phát từ tình trạng sức khỏe như bệnh ở đại tràng, các bệnh nội tiết như suy giáp trạng, cường giáp trạng… Sử dụng thuốc làm giảm chức năng vận chuyển đại tràng như: thuốc giảm đau, thuốc điều trị tăng huyết áp.
Táo bón khiến nhiều người mắc phải thực sự khó chịu. Mỗi lần đi đại tiện vất vả, tốn sức, mất nhiều thời gian. Có người chấp nhận sống chung với táo bón, chịu đựng ngày này qua tháng khác, hoặc chỉ dùng những cách đơn giản như cải thiện chế độ ăn nhưng nếu không chữa trị kịp thời sẽ khiến cho tình trạng thêm nặng và gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa.
Khi táo bón nặng sẽ làm cho quá trình lưu thông trong cơ thể giảm, khiến cho những chất thừa, cặn bã không đào thải được sẽ quay thấm ngược gây nhiễm khuẩn. Thậm chí, chúng hình thành nên sỏi và gây tắc ruột nếu không được phát hiện kịp thời.
Cũng có trường hợp táo bón gây thủng ruột, thủng đại tràng xích-ma rất nguy hiểm với người bệnh có thể dẫn đến tử vong.
Linh Anh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.