Đây là loại bệnh phát triển mạnh ở vùng rau Đà Lạt (Lâm Đồng) mà người dân gọi là “bệnh cải có củ“. Bệnh do nấm Plasmodiophora brassicae gây ra. Nấm bệnh lan truyền qua đất, qua rau trồng, nước tưới, dụng cụ làm đất, giày dép mang từ ruộng này sang ruộng khác…, chưa có thuốc đặc trị.
Biện pháp ngăn chặn
- Ruộng trồng cải bị bệnh phải thu lượm hết lá, gốc rễ cải tồn dư trên ruộng đem đi thiêu huỷ toàn bộ.
- Sử dụng phân Cyanamid calcic từ 80- 100kg/1.000 m2, bón trước và cây lật, phơi đất 2 tuần trước khi trồng lại cây mới.
- Bón thêm phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh.
- Sử dụng giống sạch bệnh, tưới nước sạch từ giếng sâu không bị ô nhiễm.
- Sau khi trồng, phun thuốc trừ nấm bằng chế phẩm sinh học (Chitin, Trichoderma) để phòng ngừa nấm độc tấn công.
- Nên áp dụng luân canh trồng rau khác với họ thập tự.
Kinh nghiệm của nhiều nông dân Đà Lạt là sử dụng phân Cyanamid calcic (là loại phân nhả chậm) bón tối đa 100kg/1.000 m2 đã ngăn chặn được khoảng trên 80% bệnh sưng rễ cải bắp, làm cho bệnh không phát triển. Trong phân có vôi nên có tác dụng hạ phèn và cải thiện cơ cấu của đất. Phân này còn có tác dụng tích cực trong việc chuyển hoá đạm sẵn có ở cây trồng.
Cách sử dụng
Với cây hàng năm, bón phân trước khi gieo hạt hay cấy cây con. Với cây lưu niên bón phân sau khi làm vệ sinh vườn. Nếu bón ít (300kg) thì chờ 6- 8 ngày, lượng nhiều hơn sẽ chờ lâu hơn, khoảng 700kg đến 1 tấn, chờ 15 ngày.
Khi bón phân này rất cần nước và đất ẩm để cho hiệu quả cao. Trường hợp thiếu độ ẩm và đất chua, phân có thể kết hợp thành Dicyanamid (CN2H2)2 tạo độc tố nhẹ trong đất và tác dụng đạm của phân.
Theo Báo Nông thôn ngày nay, KHKT nông nghiệp