Bệnh zona thần kinh: Tự đắp lá bị nhiễm trùng…đau tận xương

Thức dậy vào một buổi sáng đẹp trời, những cơn đau, rát do zona thần kinh (hay còn gọi là giời leo) gây ra khiến cho bạn thực sự khó chịu. Căn bệnh này đến bất chợt, không ai biết trước nhưng sự hành hạ nó gây ra cũng không hề nhỏ. 

Chị Nguyễn Nga (Hà Nội) vừa khỏi zona thần kinh cách đây ít hôm. Nhớ lại cảm giác bỏng rát phải chịu đựng gần 1 tuần lễ chị thấy rùng mình. Ban đầu chị Nga thấy trên da xuất hiện đám nhỏ màu đỏ, hơi rát và nóng, chị chỉ nghĩ do côn trùng đốt nên không dùng thuốc bôi hay thăm khám bác sĩ. Tuy nhiên, sau 1 buổi chịu đựng cơn đau, vết rát lan rộng, vết đỏ bao phủ cả một mảng da lớn trên cánh tay. 

Theo lời chị Nga, cảm giác đau rát tăng theo thời gian. Thậm chí, hễ tay chạm vào hoặc chạm khăn vào vùng bị zona rát tận xương. “Tôi chủ quan không đi khám lại nghe lời một số người bạn hướng dẫn nhai gạo, đỗ xanh cho nhuyễn rồi đắp lên chỗ bị zona. Ban đầu hí hửng làm theo tưởng là khỏi, càng đắp càng rát nghĩ là vài hôm sẽ khỏi hẳn nhưng thực tế vết rát càng loang ra, mọng nước, thậm chí có khi vỡ ra nhức nhối vô cùng. Đến ngày thứ ba tính từ khi đắp, tôi không chịu được nữa đành phải đi khám bác sĩ. Tại bệnh viện da liễu, bác sĩ cho biết, do nước bọt có chứa vi khuẩn nên khi tôi đắp lên vết bị giời leo làm cho vùng đó bị nhiễm khuẩn nên càng nặng hơn”, chị Nga nhớ lại.

Không tự ý đắp gạo hay đậu xanh nhai nhuyễn nhưng chị Thủy (Hà Đông, Hà Nội) lại gãi mạnh vào vùng bị zona thần kinh làm cho vết thương vỡ nước, đau nhức khó chịu. Triệu chứng ban đầu của chị là đau nhức từ vùng vai lan xuống vùng bên hông. Nhìn kỹ vào vùng đau nhức, chị Thủy mới tả hỏa, cả vạt to như nắm tay giống vết bỏng nước sôi, chứa nước bên trong.

“Do vừa ngứa và cũng đau rát nên tôi gãi để vết zona vỡ ra để bôi thuốc. Nhưng nước chảy đến đâu, zona lan đến đó càng khiến cho tôi bị nặng hơn. Thậm chí, khu vực bị zona lan đến cả vùng bụng. Tôi không thể nằm yên, ngồi cũng khó chịu”, chị Thủy kể.

Không tự chữa zona thần kinh

Bệnh zona thần kinh có thể xảy ra ở bất cứ vùng nào trên cơ thể. Đáng lo ngại nếu như zona bị sát mắt, mũi, hoặc khu vực gần bên trong cơ thể có thể làm cho các nốt tấy đỏ lan vào bên trong gây nguy hiểm cho tính mạng. Triệu chứng của zona thần kinh là đau, rát, xuất hiện những vết đỏ như bỏng. Các dải ban nổi sau khi đau 1-3 ngày với hiện tượng đỏ, phồng rộp chứa nước. Trong khoảng hơn 1 tuần – 10 ngày, vết zona có thể mưng mủ và đóng vảy.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Tiến Anh (Chuyên khoa Da liễu) cho biết, khi bị bệnh zona thần kinh cần lưu ý không gãi, bởi quá trình gãi có thể tăng nguy cơ bội nhiễm. Mặt khác, không dùng các loại lá, đậu xanh, gạo nhai nhuyễn đắp lên vết zona vì có thể làm cho vết thương bị loét, đau đớn, nhiễm trùng gây nguy hiểm tính mạng. Trong quá trình bị vẫn tắm rửa bình thường nhưng chú ý giữ cho vết zona được khô ráo, mặc quần áo hoặc ngủ ở tư thế không gây vỡ vết zona cũng như làm đau rát.

Điều trị zona thần kinh cần kết hợp giữa thuốc giúp giảm đau, dung dịch kháng sinh, hạ sốt, chống viêm, thuốc kháng virus. Tuy nhiên, khi bị zona thần kinh cần phải thăm khám bác sĩ để được kê đơn. Nếu vết zona bị chảy nước có thể dùng jarish, dalibour, các dung dịch kháng sinh. Khi tổn thương da khô hơn thì có thể bôi kem acyclovir. Nếu có nhiễm trùng thì bôi thêm các mỡ kháng sinh như foban, bactroban. Có thể chiếu laser He-Ne một đợt để góp phần giảm viêm, giảm đau và hạn chế sẹo.

Bệnh zona thần kinh có thể lây từ người bị nhiễm bệnh sang người không mắc bệnh qua tiếp xúc da-da. Với những người chưa từng mắc bệnh thủy đâu sẽ bị nhiễm bệnh này khi có tiếp xúc. Nếu đã bị thủy đậu thì không bị lây nhiễm zona từ người khác. Để giúp các mụn nước nhanh khô, hãy đặt một khăn ướt lên chỗ phát ban, tập thể dục nhẹ nhàng hoặc tham gia một hoạt động yêu thích để làm cho bạn quên đi sự khó chịu của bệnh zona.

Linh Anh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.