Béo phì là hiểm họa đối với hành tinh

Tình trạng thừa cân không chỉ tác động xấu tới sức khỏe của con người, mà còn làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu trên toàn cầu. 

Giới khoa học từng nhất trí rằng sản xuất thực phẩm là một hoạt động làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tốc độ tăng của khí thải có hại có quan hệ tỷ lệ thuận với lượng thực phẩm mà loài người tiêu thụ hàng ngày.

Hoạt động chăn nuôi gia súc (để đáp ứng nhu cầu ăn thịt của con người) đóng góp 20% tổng lượng khí thải có hại. Vì thế, theo các nhà khoa học, nếu loài người sử dụng ít thức ăn hơn, số lượng gia súc mà chúng ta chăn thả sẽ giảm. Điều này giúp làm giảm tốc độ biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Phil Edwards, một chuyên gia về dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng của Đại học London (Anh), phát biểu: “Người dân khắp thế giới ngày càng trở nên béo hơn. So với 10 năm trước, thực phẩm hiện nay có hàm lượng chất béo cao hơn. Mạng lưới giao thông ngày nay cho phép chúng ta đưa thực phẩm tới mọi nơi trên hành tinh”.

Edward khẳng định rằng lượng khí thải do các phương tiện cơ giới thải ra trong quá trình vận chuyển thực phẩm sẽ giảm xuống nếu chúng ta ăn ít hơn. Theo ước tính của ông và cộng sự, nếu một người béo giảm khẩu phần ăn để đạt được mức cân nặng bình thường, lượng khí CO2 mà cá nhân đó thải ra cũng giảm một tấn/năm.

“Việc ăn ít hơn không chỉ giúp người béo phì có sức khỏe tốt hơn, mà còn làm giảm đáng kể các khí thải gây hiệu ứng nhà kính”, Edward nhận xét.

 

Theo VnExpress (Telegraph)