Những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam

Trải qua những thăng trầm của thời gian, những làng nghề truyền thống đã chứng tỏ được sức sống bền bỉ của mình, giữ gìn được những nét đẹp văn hóa của cha ông. Hãy cùng ChaMeCuaCon.com.com đến thăm những làng nghề truyền thống đó, để thêm yêu những giá trị tốt đẹp trong văn hóa người Việt

  • 1

    Làng nghề gốm Bát Tràng

    Nhắc đến những làng nghề truyền thống, ắt hẳn “Bát Tràng” là cái tên đầu tiên hiện lên trong tâm trí mọi người. Gốm Bát Tràng là tên gọi chung cho các loại đồ gốm được sản xuất tại làng gốm Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng (gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Theo nghĩa Hán Việt, chữ Bát nghĩa là chén bát, đồ gốm và chữ Tràng (hay Trường) là chỗ đất dành riêng cho chuyên môn. Nhờ kỹ thuật tạo lớp men và kỹ thuật lò nung chuẩn xác, các nghệ nhân ở đây đã tạo nên một loại sản phẩm gốm đặc biệt, hài hòa về bố cục, màu sắc thanh nhã cùng với sự tinh tế của con người – gốm Bát Tràng.

    nhung-lang-nghe-truyen-thong-1

  • 2

    Làng nghề Trống Đọi Tam

    Nhắc tới nghề làm trống, có lẽ không ai là không biết đến làng nghề trống truyền thống Đọi Tam – Duy Tiên – Hà Nam. Làng trống Đọi Tam đã quá nổi tiếng bởi lịch sử 1000 năm làm trống với bao thợ cả nổi tiếng. Tương truyền năm 986, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về hàng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã tự tay làm một chiếc trống to để đón vua. Tiếng trống vang như sấm rền nên về sau hai ông được dân làng tôn là Trạng Sấm, tổ nghề của làng. Nghề làm trống ở Đọi Tam là nghề cha truyền con nối, làm đủ các loại trống. Trống Đọi Tam nổi tiếng nhờ độ bền, đẹp, tiếng no, tròn,… đó là nhờ bí quyết riêng của làng cùng tâm huyết của người làm trống.

    nhung-lang-nghe-truyen-thong-2

  • 3

    Làng nghề đá mỹ nghệ

    Làng đá mỹ nghệ Non Nước, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Đây là nơi sản xuất đồ mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Có lẽ không ai đến Ngũ Hành Sơn mà lại không ghé thăm làng nghề này. Làng được hình thành vào thế kỷ 18 do nghệ nhân người Thanh Hóa tên Huỳnh Bá Quát khai phá. Sang thế kỷ 19 thì cả làng đều sinh sống bằng nghề này. Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm mỹ nghệ là đá cẩm thạch trước đây được khai thác ở núi Ngũ Hành Sơn. Đá núi Ngũ Hành Sơn nhiều vân ngũ sắc, vẻ đẹp cao sang, là mặt hàng được ưa chuộng trong xây dựng và kiến trúc. Từ đất đá vô cảm, người nghệ nhân làng đá mỹ nghệ đã thổi vào đó tâm hồn của con người để tạo ra những sản phẩm tinh xảo và công phu.

    nhung-lang-nghe-truyen-thong-3

  • 4

    Làng nghề muối Tuyết Diêm

    Làng muối Tuyết Diêm ở Phú Yên có 3 làng nghề sản xuất muối có truyền thống hơn 300 năm đó là Trung Trinh, Lệ Uyên, Tuyết Diêm ( huyện Sông Cầu). Muối Tuyết Diêm ngày trước còn được người dân buôn muối gọi là muối Cù Mông. Gọi là muối Cù Mông vì ngày xưa tàu thuyền trong Nam ngoài Bắc vào đây mua muối đều nhắm hướng chân đèo Cù Mông mà đến. Những hạt muối trắng tinh đã tạo ra cái tên rất đẹp của làng này. Hình thành từ năm 1870, đến nay đồng muối Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, Sông Cầu, Phú Yên đã 138 tuổi. Nghề muối cực hơn rất nhiều so với nghề nông. Mỗi năm, diêm dân chỉ trông chờ vài ba tháng nắng. Nắng càng gắt, muối càng thơm, tinh khiết, và… mồ hôi càng mặn chát trên những đôi vai gầy.

    nhung-lang-nghe-tuyen-thong-4

  • 5

    Làng nghề thuyền thúng

    Từ lâu ven biển Nam Trung Bộ đã hình thành nhiều làng nghề chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống. Làng nghề được xem là “thủ đô” thúng chai chính là ở huyện Tuy An – Phú Yên. Trong xu thế hội nhập, không ít làng nghề truyền thống không chỉ đứng vững mà còn phát triển mạnh. Thúng chai (thuyền thúng) từ lâu đã được mệnh danh là “trí khôn sông nước Việt”. Các làng nghề sản xuất thúng chai huyện tập trung chủ yếu ở vài tỉnh Nam Trung Bộ và chưa bao giờ dừng sản xuất. Gần đây mọi người phấn khởi khi thúng chai bất ngờ chu du xuất ngoại từ Á sang Âu. Thúng chai của Phú Yên có điểm đặc biệt là chỉ sử dụng nguyên liệu của địa phương. Theo người dân làng nghề, cây tre trồng trên đất phú yên có đặc điểm chịu nước tốt, dẻo dai và có nguồn dầu rái rất chất lượng khi trét thúng nên thúng giữ được độ bền rất lâu. 

    nhung-lang-nghe-truyen-thong-5