Căn bếp không chỉ đơn thuần là nơi bạn nấu nướng, mà còn là không gian dành cho những bữa ăn gia đình ấm cúng hay những bữa cơm vui vẻ với bạn bè và người thân quen. Chính vì thế, bên cạnh việc đảm bảo đầy đủ các tính năng của một căn bếp thì phong cách thiết kế và trang trí cho không gian này cũng đóng một vai trò không kém phần quan trọng.
Khi bắt tay vào xây dựng hoặc sửa chữa bếp, chúng ta thường dành rất nhiều thời gian để “nghiên cứu” các bức ảnh chụp các căn bếp. Tuy nhiên, cách này đôi khi không giúp chúng ta tìm ra được kiểu bếp mong muốn, thậm chí còn khiến chúng ta bị “rối”. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên tìm cách lọc bớt các lựa chọn và tìm hiểu xem thực ra có những kiểu nhà bếp nào là phổ biến nhất, và phong cách nào phù hợp nhất với bạn.
Hãy cùng chúng tôi điểm qua một số phong cách thiết kế và trang trí bếp quen thuộc nhất:
Kiểu bếp ở nông trại
Những căn bếp kiểu nông trại thường sử dụng các loại vật liệu cổ điển, với những điểm nhấn mang phong cách hoài cổ, đem lại một bầu không khí ấm cúng, gần gũi với thiên nhiên nhưng vẫn rất tiện nghi và thoải mái. Kiểu bếp này thường đặc trưng bởi những kệ bếp và giá treo mở, chậu rửa rất rộng và một chiếc bàn ăn lớn.
Kiểu bếp hiện đại
Khái niệm “hiện đại” được hiểu khá đa dạng. Tuy nhiên, khi nghĩ đến những thiết kế bếp hiện đại, chúng ta thường nghĩ đến những chiếc tủ bếp không đóng khung, với những loại vật dụng nấu nướng và mặt bếp bóng loáng. Căn bếp hiện đại có khá nhiều những đường thẳng vuông vắn với mức độ trang trí tối thiểu, để vẻ đẹp tự nhiên của các loại vật liệu tự “tỏa sáng”.
Phong cách bếp “đương đại” thì hơi khác một chút, cũng rất hiện đại nhưng lại có thêm một số đặc điểm của những phong cách khác và thường khiến chúng ta nghĩ đến những thiết kế và công nghệ tiên phong, với việc sử dụng những loại vật liệu và xu hướng mới.
Kiểu bếp cổ điển
Những căn bếp kiểu cổ điển thường rất linh hoạt và “sống mãi với thời gian”, với các đặc trưng như thường sử dụng các tông màu trung tính và đơn giản, với các chi tiết trang trí nhẹ nhàng, kết hợp cùng một số món đồ cổ, chẳng hạn như những chiếc đèn chùm kiểu cổ ở phía trên bàn ăn. Dù mang phong cách “cổ điển”, nhưng không có nghĩa là bạn không thể làm mới và tạo dấu ấn riêng cho những căn bếp kiểu này; cũng giống như khi mặc quần jeans và áo phông vậy – chỉ cần thêm một chiếc vòng cổ, áo blazer đen cùng đôi giày cao gót hoặc giầy bệt cá tính – là bạn đã tạo ra phong cách riêng cho mình rồi.
Kiểu bếp “chuyển tiếp”
Những căn bếp mang phong cách chuyển tiếp này có thể được coi là kiểu bếp “trung gian” giữa hai hoặc nhiều phong cách khác nhau. Sự ấm cúng của các thiết kế bếp truyền thống kết hợp với những đường nét đơn giản, rõ nét của phong cách đương đại mang lại cho các không gian “chuyển giao” này sự cân bằng và hài hòa. Do rất linh hoạt nên kiểu bếp này sẽ là một lựa chọn tuyệt vời dành cho những gia chủ không muốn hạn chế trong một phong cách duy nhất và muốn tạo sự phong phú cho không gian ẩm thực của gia đình mình.
Bếp mang phong cách Địa Trung Hải
Ấm cúng và mời gọi, các căn bếp mang phong cách Địa Trung Hải như tạo nên “nhịp đập” cho cả ngôi nhà. Là một không gian phóng khoáng và đầy táo bạo với rất nhiều màu sắc nổi bật, những đường nét khỏe khoắn và rất nhiều chi tiết trang trí – các căn bếp mang phong cách Địa Trung Hải gợi nhớ tới ánh nắng mặt trời êm dịu, tới những cơn gió biển tươi mát cùng những cảnh quan vô cùng sống động và sặc sỡ.
Để tạo nên một “bảng màu” Địa Trung Hải, bạn có thể kết hợp giữa các tông màu như đỏ thẫm, vàng chanh và xanh nước biển. Các mô-típ khảm trang trí đầy tính nghệ thuật cũng là một nét đặc trưng của phong cách Địa Trung Hải mà bạn không thể bỏ qua.
Minh Nguyệt Tổng hợp từ Houzz
Căn bếp là “vương quốc” của phụ nữ
Bếp xinh thế này, ai chẳng thích
Kiến tạo không gian thân mật cho căn bếp
Phòng ăn nhỏ – nhưng “lợi hại”
Những gợi ý cho phòng ăn nhỏ
Góc quầy bar tại nhà cho những ngày chẳng muốn đi chơi
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.