Những hòn đá chuyển động tại hồ Racetrack Playa thuộc Thung lũng Chết (phía tây nam bang California, Mỹ) là một hiện tượng địa chất bí hiểm.
Từ trước đến nay, chưa một ai có cơ hội quay phim hay nhìn thấy những hòn đá trực tiếp chuyển động trên hồ Racetrack. Điều này càng làm tăng thêm vẻ huyền bí của chúng và người ta tin rằng hiện tượng này là do bàn tay của những năng lực siêu nhiên tạo ra.
Sau hơn 50 năm nghiên cứu những hòn đá dịch chuyển một cách bí ẩn trên hồ cạn Racetrack, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải cho hiện tượng kỳ bí này.
Vào năm 1955, George M. Stanley lần đầu tiên đưa ra giả thuyết rằng những hòn đá dịch chuyển với sự trợ giúp của những dải băng được hình thành sau khi bề mặt hồ bị ngập nước. Vào mùa đông và đầu mùa xuân, mặt hồ đã nhiều lần bị ngập với mực nước đo được 7cm và nhiệt độ thường giảm xuống dưới 0 độ.
Năm 1976, Robert Sharp và Dwight Carey loại trừ giả thuyết dải băng. Qua phân tích đường đi của đá, họ đưa ra kết luật rằng vì đặc điểm và tính chất hình học của những đường đi này có liên quan đến nhau nên các dải băng không thể tạo nên chúng và dịch chuyển các hòn đá được.
Hồ Racetrack Playa chụp từ vệ tinh. (Ảnh: Geology.com) |
Sharp and Carey cũng đã thực hiện thí nghiệm dùng cọc bao tròn những phiến đá để kiểm chứng giả thuyết dải băng. Trong một thí nghiệm, một hòn đá dịch chuyển để lại đường đi dễ nhận thấy. Một lần khác, 2 phiến đá được đặt vào bên trong những chiếc cọc, viên đá nhỏ hơn dịch chuyển ra ngoài trong khi viên to hơn vẫn ở bên trong cọc. Do đó mà 2 ông khẳng định không thể có kết quả này nếu băng đóng vai trò làm đá dịch chuyển.
Năm 1995, John B. Reid, Jr. và các nhà địa chất khác từ trường đại học Hampshire đã phản bác lại kết luận của Sharp và Carey. Sau khi so sánh những dữ liệu thu được sau 7 lần ghé thăm Thung lũng Chết từ cuối những năm 1980 đến 1994, họ ủng hộ giả thuyết dải băng đầu tiên của Stanley.
Từ bản đồ chi tiết đường đi của những viên đá, họ thấy rằng chúng hầu hết đều có sự tương đồng. Một số bị lệch đi ở gần cuối đường và họ giải thích nguyên nhân là do các dải băng sẽ vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ hơn khi tan chảy và những viên đá bên trong có thể tách ra.
Tuy nhiên, trên đây vẫn chỉ là những giả thuyết và hiện các nhà khoa học chưa thể lý giải chính xác hiện tượng đá dịch chuyển này.
Một số hình ảnh và đoạn phim về những hòn đá bí ẩn trên hồ Racetrack Playa:
(Ảnh: iStockphoto / Steve Geer / Stephan Hoerold) (Ảnh: iStockphoto / Skye Bajoul) (Ảnh: iStockphoto / Stephan Hoerold) (Ảnh: iStockphoto / Sartriano) (Ảnh: iStockphoto / John Alcorn) (Ảnh: iStockphoto / Mike Norton) |
Theo Đàm Loan (Jonsulivan, Dân Trí)