Cho đến nay, đại mộ Tần Công số 1 là ngôi mộ giữ nhiều kỷ lục nhất ở Trung Quốc: Cổ mộ có diện tích lớn nhất: 5.334m2; cổ mộ có nhiều người bị tuẫn táng (chôn theo) nhất từ đời Tây Chu: 186 người; có mộ bia bằng gỗ sớm nhất và khánh đá khắc chữ (minh văn) sớm nhất trong lịch sử mộ táng Trung Hoa.
- Bí mật vẫn bao trùm mộ Tần Thủy Hoàng
- Những lăng mộ mang nhiều bí ẩn nhất thế giới
Bí ẩn đại mộ có nhiều kỷ lục nhất Trung Quốc
Khu đất kỳ bí
Thôn Nam Chỉ Huy cách phía nam huyện thành Phụng Tường, thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây khoảng 5km có một vùng đất hoang kỳ lạ: năm nào cũng vậy, dù mùa xuân hay hạ, dù lượng nước không thiếu nhưng ruộng ở xung quanh mùa màng rất kém, cây cỏ tiêu điều, người dân địa phương bao đời xem chuyện này là bình thường.
Năm 1976, một ngày nọ, thôn dân họ Triệu đẩy xe cút kít đến vùng đất hoang này đào ít đất về sửa vách nhà… Những xẻng đất xúc sâu phía dưới ở đây khác hẳn với đất xung quanh về màu sắc, hình trạng: đất màu vàng pha đỏ, có lẫn đá vụn và rất cứng.
Mấy ngày sau, ông Triệu trong lúc vui chuyện có nói đến điều này, rất tình cờ, các chuyên viên khảo cổ Thiểm Tây nghe được – họ đang nỗ lực tìm kiếm những gì có liên quan đến Tần Thủy Hoàng và tổ tiên nhà Tần, nhưng đã nhiều tháng không có kết quả từ sau khi phát hiện “đội binh mã dưới lòng đất”.
Một cuộc khảo sát quy mô được thực hiện quanh vùng đất lạ kia, qua 4 tháng, một cảnh tượng kỳ lạ hiện ra trước mắt các chuyên gia khảo cổ: Đó là một công trình ngầm dưới lòng đất, có hình chữ nhật, một đường hầm lớn cắt ngang công trình thành hình chữ “trung”, chiếm diện tích bằng 3 sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế.
Công trình chủ thể được chia thành 3 tầng, độ sâu tương đương tòa nhà cao 8 tầng. Theo hình thể có thể xác định đây là một ngôi cổ mộ. Nhưng quy mô hoành tráng như thế là rất hiếm có, người nằm dưới mộ hẳn là một nhân vật lừng lẫy quyền uy lúc tại thế. Đó là ai?
Vô số thi hài bị tuẫn táng
Tại tầng 2 của ngôi mộ, Phó đội trưởng đội khảo cổ Điền Á Kỳ phát hiện một cái đầu lâu, miệng há rất lớn, có lẽ lúc chết rất kinh hoàng. Ngay tối hôm ấy các nhân viên khảo cổ phát hiện 20 bộ hài cốt không còn nguyên vẹn, không quan không quách, đầu một nơi mình một ngả.
Theo quan niệm xưa, những người hầu phải chết theo chủ, sống sao thác vậy, xuống âm phủ vẫn tiếp tục hầu hạ chủ nhân như trên dương thế. Nhưng thường những người hầu chết theo chủ thì có quan tài đàng hoàng, còn 20 bộ hài cốt này có thể là nô lệ hay tù nhân, bị giết để tế trước khi phong cửa mộ.
Theo các phát hiện khảo cổ, có thể thấy từ khi triều Tần được thành lập thì hình thức tuẫn táng có thay đổi, như Tần Thủy Hoàng cho lấy đất nung làm tượng binh mã chôn theo chứ không giết người. Như vậy, ngôi mộ cổ này phải xuất hiện trước đó, trong thời Tiên Tần.
Tiếp đó, các nhân viên khảo cổ phát hiện xung quanh tầng 2 còn có 166 bộ hài cốt được táng trong quan tài, đây có lẽ là những người tuẫn táng tự nguyện. Điều gây kinh ngạc là thi hài những người này bị bó gập hai chân sát vào ngực.
Theo sử liệu, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, người Tần thịnh hành phép táng bó gập chân, gọi là khuất chi táng: người vừa mới chết thì dùng dây vải bó chặt chân gập lên ngực rồi mới cho vào quan tài hoặc chum, vò.
Nhưng khuất chi táng cũng thấy xuất hiện trong các nền văn hóa Lĩnh Nam thời sơ kỳ, Mã Gia Đậu vùng thượng du Hoàng Hà hay Cổ Tượng Hùng ở cao nguyên Ali, Tây Tạng cách đây 4.000-5.000 năm. Muốn chứng minh những người trong mộ là người đời Tần thì phải tìm tiêu chí khác: các chuyên gia phát hiện ra rằng tất cả những quan tài gỗ trong ngôi cổ mộ đều xếp theo hướng đông tây.
Nhà khảo cổ Điền Á Kỳ cho biết, phương hướng của mộ táng là tiêu chí rất quan trọng để xác định tộc người và thời điểm. Khắp một dải Quan Trung đến Cam Túc, mấy ngàn ngôi mộ đời Tần được khai quật đều nằm theo hướng đông tây.
Ngay lúc này, một tổ công tác khác đã tìm thấy nhiều chứng tích quan trọng tại Ung Thành- tòa thành có quy mô lớn nhất trong các đô thành thời Xuân Thu chiến quốc, ở phía nam huyện Phụng Tường, Thiểm Tây. Thành chiếm diện tích 11km2, trong xây dựng tẩm cung, khu nghĩa trang… Ngôi mộ cổ trên cũng nằm trong địa phận Ung Thành, đồng thời phát hiện và khai quật 18 ngôi mộ cổ khác có hình dạng chữ “trung” giống nhau nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều.
Như vậy, 166 bộ hài cốt với lối an táng đặc biệt này được xác định là người Tần. Tổng cộng 186 con người bị táng trong mộ cho thấy chủ mộ là một nhân vật hiển hách.
Lộ diện kẻ tiếm quyền thiên tử
Dưới triều đại nhà Chu cách đây hơn 3.000 năm, tổ tiên người Tần là một bộ lạc, sống du mục ở vùng biên ải rộng lớn phía tây bắc. Sau đó họ tiến dần xuống vùng Hàm Dương ngày nay, trải qua nhiều trận chiến tàn khốc với các nước, dần dần chiếm vị thế bá chủ, đến Tần Thủy Hoàng gồm thâu 6 nước, thống nhất thiên hạ. Nếu tính từ đời Tần Trang Công lập ra nước Tần đến Tần Thủy Hoàng là hơn 600 năm với hơn 30 đời thống trị. Ngôi cổ mộ trên là của ai?
Qua 10 năm làm việc thận trọng, đến năm 1986 các chuyên gia mới chạm đến phần giữa nhà mộ, quan tài chính dần dần hiện ra. Quan tài đóng bằng gỗ bách, hai đầu đóng rui (mộng) nhô ra, hai cạnh nam bắc đóng thêm hai cánh gỗ xòe ra rất lạ. Các chuyên gia lại phải lùng trong các thư tịch cổ, thì ra theo “Chu lễ“, phương thức đóng quan tài có cánh xòe ra gọi là “Hoàng trường đề tấu” – phép táng này chỉ được sử dụng cho bậc thiên tử nhà Chu.
Theo Chu lễ, vua các chư hầu cũng không có quyền táng theo “Hoàng trường đề tấu“, tại sao lại được sử dụng ở đây? Nắp quan tài được mở ra, bên trong chỉ còn trơ lại một khúc xương đùi, tất cả đều không còn gì. Người ta cũng phát hiện ra nhiều lỗ nhỏ hình tròn hay bầu dục khoét quanh thành mộ, chắc chắn là bọn trộm mộ đã ra tay trước.
Ở phía đầu quan tài, các chuyên gia tìm thấy một đôi hài bằng đá dài đến 1m, đặt theo hướng đông tây, dưới đáy quét chu sa vẫn còn đỏ tươi. Theo phép táng xưa, đôi hài đá này là vật dụng bảo vệ quyền lực của người đã mất. Dưới đáy quan tài có lót rất nhiều thanh đá, khảo sát kỹ thì đây là một loại nhạc khí gọi là “khánh đá“, bên mép của khánh có khắc chữ, tổng hợp các khánh đá các chuyên gia chữ cổ cho biết nội dung nói về một lần yến tiệc vui chơi trong cung, người tổ chức là chủ nhân ngôi mộ, được gọi là “Cộng Hoàn thị tự” nghĩa là người kế tự Tần Cộng Công và Tần Hoàn Công, suy ra đây chính Tần Cảnh Công.
Tần Cảnh Công (?-537 TCN), họ Doanh, tên Thạch, con trưởng của Tần Hoàn Công. Doanh Thạch là vua Tần đời thứ 14, tổ 18 đời của Tần Thủy Hoàng Doanh Chính, lên ngôi năm 557 trước Công nguyên, tại vị 40 năm. Và thời Tần Cảnh Công, Tần đã hùng cứ Ung Thành 100 năm, thế lực hùng mạnh, khi Cảnh Công qua đời dám ngang nhiên sử dụng phép táng của thiên tử nhà Chu, có thể thấy hùng tâm của đất Tần đã vượt ra ngoài một dải Quan Trung.
Theo VnMedia