Cảnh báo: Nguy cơ sinh non vì bệnh răng miệng khi mang thai

Chăm sóc răng miệng khi mang thai sao cho đúng cách

Mang thai ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể của các bà mẹ, từ mái tóc cho đến tâm trạng,… và hàm răng cũng không nằm ngoài các tác động này.

Trong quá trình mang thai, nếu bà bầu mắc bệnh răng miệng sẽ dễ xảy ra hiện tượng sinh non và thiếu cân, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Khoảng 18 trong 100 ca sinh non gây ra do bệnh nha chu. Do vậy, việc chăm sóc răng miệng cho bà mẹ mang thai rất quan trọng.

Dưới đây là 1 số vấn đề liên quan đến nha khoa trong thai kỳ và 1 số lời khuyên về cách đối phó với chúng:

Bị nôn khi đánh răng

Nhiều bà bầu bị nôn thốc nôn tháo mỗi lần đánh răng, điều đó khiến việc chăm sóc răng miệng gặp nhiều trở ngại. Nếu không đánh răng thường xuyên, mẹ bầu có thể gặp phải nguy cơ xói mòn răng, sâu răng, viêm lợi,… Cảm giác buồn nôn khi đánh răng thật khó chịu nhưng có thể tránh bằng những mẹo sau:

– Chải răng mà không dùng kem đánh răng và sử dụng nước muối súc miệng sau đó.

– Sử dụng 1 bàn chải đánh răng nhỏ hơn bình thường, lông mềm hơn – có thể dùng bàn chải trẻ em.

– Thực hành kỹ thuật thở khi đánh răng.

– Thư giãn trong lúc đánh răng bằng cách nhắm mắt, nghe nhạc.

Chăm sóc răng miệng khi mang thai sao cho đúng cách

 

Chảy máu nướu răng, viêm lợi

Sự thay đổi nội tiết tố có thể dẫn đến nhiều mảng bám trên răng, gây ra viêm lợi (nướu). Các triệu chứng bao gồm sưng và chảy máu. Một số phụ nữ rất hay bị viêm lợi khi mang thai, nhất là từ tháng thứ 3 trở đi và chỉ trở lại bình thường sau khi sinh con.

Điều quan trọng là các bà bầu cần gặp bác sĩ để được điều trị, tránh để bệnh nướu răng nặng hơn, dễ gây ra tình trạng sinh non và nhẹ cân ở trẻ sơ sinh.

Ốm nghén và sự xói mòn răng

Phụ nữ mang thai trải qua thời kỳ ốm nghén và hiện tượng trào ngược dễ gây xói mòn răng do phải tiếp xúc thường xuyên với axit dạ dày. Nếu các chị em đang mang thai và gặp phải tình trạng này, cần lưu ý:

– Chỉ đánh răng sau ít nhất 1 giờ bị nôn nghén hoặc trào ngược.

– Súc miệng với nước có fluoride nhằm hỗ trợ trong việc loại bỏ các axit.

– Nhai kẹo cao su không đường có thể kích thích tiết ra nước bọt và loại bỏ axit trên răng.

Thèm ăn vặt

Ăn vặt suốt ngày cũng có thể giúp kiểm soát tình trạng ốm nghén. Lựa chọn đồ ăn nhẹ với mức axit thấp, chẳng hạn như bánh quy khô, bánh quy giòn và súc miệng lại bằng nước sau khi ăn vặt để giảm tác hại cho răng. Hãy cố gắng hạn chế ăn/uống thực phẩm có tính axit như các loại trái cây họ cam quýt và uống đồ uống có tính axit như nước giải khát, nước ép trái cây trong thời gian này.

Trong thời gian mang thai của bạn, điều quan trọng là các bà bầu cần duy trì việc khám và gặp nha sĩ để kịp thời chữa trị các bệnh về răng miệng.

Thụy Du – (Dịch theo BB)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.