Giới khoa học đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm chứng cứ về cái gọi là thần giao cách cảm. Và dù vẫn chưa chứng minh được, nhiều người vẫn cho rằng nó có thật.
>>> Lật lại chứng cứ đầu tiên về thần giao cách cảm
Khi Julie Beischel gặp Mark Boccuzzi tại một hội nghị và đồng ý tham gia vào thí nghiệm về thần giao cách cảm, ngay lập tức cô đã cảm thấy những mối liên kết mạnh mẽ với đối tượng, nhưng tất nhiên là vẫn giữ kín trong lòng. Suy cho cùng, họ chỉ là những người lạ mặt. Sau khi đã thành vợ chồng, cả Beischel và Boccuzzi đều cho rằng chính thần giao cách cảm đã kéo họ lại với nhau để cùng rơi vào lưới tình. “Đó là điều mà tôi chưa bao giờ gặp phải”, Beischel cho biết.
Dữ liệu từ cuộc thí nghiệm đã ủng hộ nhận định của Beischel, và hai vợ chồng đã đề nghị Dean Radin, nhà khoa học kỳ cựu của Viện Khoa học trừu tượng (IONS), cũng là người thực hiện cuộc thí nghiệm trên, là người chủ hôn cho mình. Hiện họ cùng viết một quyển sách tựa đề Sự gần gũi tâm linh: Kim chỉ nam cho tình nhân, ghi lại những biện pháp thực tiễn để thực hiện thần giao cách cảm nhằm thắt chặt tình cảm của những người yêu nhau. Thậm chí đôi vợ chồng này còn đề nghị chuyên gia Radin biến cuộc thí nghiệm thành dịch vụ hẹn hò trên thực tế, theo trang deanradin.com.
Thần giao cách cảm luôn là điều bí ẩn đối với giới khoa học – (Ảnh: blouinartinfo)
Theo trang NCBI, lĩnh vực cận tâm lý học (nghiên cứu các hiện tượng thần kinh ngoài lĩnh vực tâm lý bình thường) – có thể là đề tài hết sức khó nuốt cho giới khoa học gia. Họ có thể bị liệt vào nhóm quá khích hoặc tệ nhất là bị đánh đồng với các chiêm tinh gia và những người chuyên hành nghề bói toán. Với lại, những đề tài dạng này làm sao thuyết phục được Viện Y học quốc gia Mỹ chịu tài trợ. Do vậy, không thể trách tại sao nhiều người lại tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy Beischel, một nhà khoa học nghiêm túc với bằng tiến sĩ ngành dược lý và độc học, lại xuất bản sách thuộc dạng “đồng bóng”.
Tuy nhiên, cả Beischel, Radin và nhiều người khác vẫn hết sức tin tưởng vào khả năng của họ trong nỗ lực giải thích chính xác nghi vấn lâu nay: Liệu thần giao cách cảm có thực chăng? Chuyên gia Radin kể lại câu chuyện của nhà khoa học Đức Hans Berger, người đầu tiên ghi lại điện não đồ (EEG) ở người vào năm 1924. Ông này đã ngã xuống từ lưng ngựa và mém chút nữa là nát thây dưới vó của một nhóm ngựa đua. Chị của ông, ở cách đó nhiều cây số, đã linh tính có chuyện chẳng lành và thuyết phục cha mình gửi ngay điện tín thăm hỏi tình hình. Cô này chưa bao giờ chịu gửi điện tín trước đó. Sự trùng hợp trên đã khiến ông Burger vô cùng tò mò, chuyển từ nghiên cứu toán học và thiên văn học sang ngành y với hy vọng có thể phát hiện được nguồn gốc của năng lượng tâm linh đó.
Gần 100 năm sau, bí ẩn vẫn hoàn bí ẩn, nhưng đã có khoảng 200 cuộc thí nghiệm cho thấy những sự kết nối về tinh thần không phải là sự ngẫu nhiên, dù chẳng giải thích được cơ chế của chúng. Ví dụ, cuộc thí nghiệm về quan hệ giữa Beischel và Boccuzzi: Beischel ngồi trong phòng, không thể thấy Boccuzzi. Boccuzzi được hướng dẫn nhìn chăm chú vào đối tượng phản ánh trên màn hình lúc thấy lúc không.
Dữ liệu cho thấy Beischel có những phản ứng sinh lý khi Boccuzzi thấy được cô, và dao động khi anh không thấy, giống như cơ thể của cô thốt lên rằng: “Ồ, anh ấy đi đâu thế nhỉ?”. Đối tượng càng gần gũi thì ảnh hưởng mạnh hơn giữa những người lạ mặt. Nghiên cứu về tình yêu của chuyên gia Radin, công bố năm 2008, cho thấy việc một người hướng sự chú ý đến người yêu có thể kích hoạt hệ thần kinh của đối tượng.
Với sự trỗi dậy của ngành sinh học lượng tử, chuyên gia Radin có thể bắt đầu lại nỗ lực giải mã về sự tương quan xuất hiện giữa những người không ở gần nhau. Ông cho rằng thần giao cách cảm có vẻ như là một sự ùn tắc về lượng tử: khi các đối tượng có liên quan đang ở khoảng cách mà không có sự tương tác về năng lượng giữa hai điểm. “Chúng tôi vẫn chưa có lời giải thích, nhưng ít nhất nó không còn là điều bất khả thi nữa”, Radin kết luận.
Theo Thanh Niên