Bí ẩn ‘thế giới màu tím’ của các loài chim

Chim sáo đá.

Trong khi con người chỉ nhìn được 3 loại ánh sáng là đỏ, xanh lục và xanh dương, thì chim có thêm khả năng nhạy cảm với tia cực tím. Nói cách khác, đối với chim muông, chúng ta là những kẻ mù màu.

Philipp Heeb thuộc Đại học Lausanne(Thụy Sĩ) đã tìm hiểu về loài chim sáo đá và sơn tước, cách thức xử trí của chúng khi mang thức ăn về cho bầy con trong tổ. Vì không thể đáp ứng được tất cả trong một lần, vậy chúng chọn con nào để cho ăn trước tiên? Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chim mẹ thấy chim con từ động tác hay tiếng chiêm chiếp của chúng. Nhưng Philipp Heeb lại tìm ra tín hiệu khác mà trước đây chưa từng biết đến: Sự phân phát thức ăn thay đổi tuỳ theo cường độ phản xạ tia cực tím trên cơ thể chim con.

Từ thập niên 1970, các nhà điểu học đã biết rằng đa số các loài chim đều có thể cảm nhận được tia cực tím, giống như nhiều loài côn trùng, nhện, cá, bò sát và cả một vài loài có vú (gặm nhấm). Võng mạc của chim có một khác biệt cơ bản: Trong khi ở người chỉ có 3 loại tế bào hình nón nhạy cảm với ánh sáng đỏ, xanh lục và xanh dương, loại chim lại có thêm một loại tế bào nhạy cảm với tia cực tím. Con người không nhìn thấy một thế giới giống như chúng.

Trước kia, có rất ít công trình về đề tài này, nhưng từ 10 năm nay, các chuyên gia về tập tính chim muông đã có phương tiện để nghiên cứu cái nhìn tia cực tím bằng cách phân tích cường độ bức xạ ánh sáng nhờ quang phổ kế. Và các kết quả không ngừng khiến người ta bất ngờ.

Từ năm 1996, Andrew Bennett và Innes Cuthill ở Đại học Bristol (Anh) đã chứng minh khả năng nhìn phổ cực tím có liên quan đến việc lựa chọn bạn tình của một số loài chim. Khi gắn những dải băng phản chiếu tia cực tím cho chim nhạn biển trống, họ nhận thấy rằng chim mái thích chúng hơn những chim trống bình thường.

Mới đây, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng một số loài chim phát hiện được con mồi nhờ dấu vết nước tiểu phản chiếu tia cực tím. Như thế người ta khám phá những thông tin thị giác mà trước đây không ngờ tới, và chúng giải thích cho các tập tính đôi khi có thể chuyển vị sang loài khác. Trong năm vừa qua, các nhà khoa học Hà Lan đã phát hiện một điều thú vị: Chim sơn tước mái bị lôi cuốn nhiều hơn bởi chim trống có bộ lông phản xạ tối đa tia cực tím. Chim trống cũng cuốn hút kẻ thù hơn, và nếu chúng sống sót được là nhờ có thể chất khoẻ mạnh. Hậu duệ của chúng có nhiều khả năng cũng giống như thế và sinh sản dễ dàng hơn.

Philipp Heeb quan tâm đến mối liên hệ cha mẹ và con cái của loài chim. Ông quan sát chim sáo đá con: “Tôi thấy rằng khoé mỏ và cả da của chim con phản xạ tia cực tím. Vậy là tôi nghĩ rằng điều đó có thể đóng một vai trò trong việc nhận biết của chim bố mẹ“. Ông đã cùng với cộng sự bắt tay so sánh sự tăng trọng của chim con “bình thường” với chim con phản xạ tia cực tím. Kết quả thật rõ ràng: Những chim sáo đá con bị trét một lớp gel ngăn tia cực tím tăng trọng ít hơn chim không bị trét gel. Nói cách khác, những chú chim con “tím” nhất sẽ nhận được thức ăn từ bố mẹ nhiều hơn.

Nhóm nghiên cứu cho rằng có thể chúng dễ được bố mẹ nhận ra trong cái tổ tối tăm. Họ cũng quan sát thấy có mối liên hệ giữa độ phản xạ tia cực tím với sức đề kháng của chim con. Như thế, phổ ánh sáng này là một tiêu chí chủ yếu đối với sự sinh tồn của chim con, một sự phân biệt của thị giác mà chúng ta hoàn toàn không nhận ra.

Tài Hoa Trẻ

 

Theo Science et Vie, VnExpress