Khi đến với địa chỉ tin cậy cộng đồng (gọi tắt là địa chỉ tin cậy) phường 14, quận Gò Vấp (Tp.HCM), chị PLK chỉ khóc nức nở. Trước đó, chị đã được một số chị trong tổ phụ nữ hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, khuyên chị nếu bị bạo hành thì đến địa chỉ tin cậy để được giúp đỡ. Tuy nhiên, chị giấu mọi chuyện trong lòng vì không muốn vạch áo cho người xem lưng.
Nhưng cuối cùng chị không thể tiếp tục sức chịu đựng. Đến địa chỉ tin cậy, chị K. gặp chị Nguyễn Thị Bạch Quyên, tư vấn viên tại đây và trút hết nỗi lòng.
Đừng im lặng chịu đựng bạo hành
Chị K. cho biết chồng chị ghen tuông tới mức bệnh hoạn. Hễ chị đi làm về trễ một chút sẽ bị chồng mạt sát hoặc đánh đập vì “cái tội đi theo trai” dù chị không hề kết thân với một người bạn trai nào. Chồng chị không cho chị ăn mặc đẹp, không cho chị giao tiếp với ai. Chị im lặng chịu đựng vì nếu làm khác đi, chị sẽ bị đánh nhiều hơn. Kết hôn một thời gian, chị bị rơi vào trầm cảm.
Mọi việc càng tồi tệ hơn khi chị K. mang thai. Người chồng không ít lần đạp cả vào bụng chị. Đứa con sinh ra ốm yếu và có một số khuyết tật. Nỗi đau quá lớn khiến chị K. hoàn toàn tuyệt vọng, nhiều lúc chị nghĩ tới cái chết. Trước đó, chị đã muốn bỏ trốn khỏi căn nhà của mình nhưng chị sợ chồng sẽ trả thù.
Chị Quyên đã khuyên chị K. đừng tiếp tục im lặng chịu đựng bạo hành rồi đưa chị K. đến với một địa chỉ tư vấn pháp lý miễn phí để được giúp đỡ. Các chị em trong tổ tham vấn thường xuyên liên lạc và “canh chừng” để có phương án can thiệp nếu có bất trắc xảy ra. Cuối cùng, chị K. cũng được ly hôn sau một thời gian dài bị khủng bố tinh thần. Chị K. tâm sự: “Nhiều phụ nữ chọn cách im lặng và chịu đựng cả cuộc đời. Nhưng các chị đã tiếp sức mạnh để tôi chọn con đường thanh thản nhất”.
Một trong các thành viên của tổ tham vấn tại địa chỉ tin cậy này là chị Nguyễn Bích Thủy. Chị Thủy cho biết khi còn ở quê Long Xuyên, chị thường xuyên bị chồng bạo hành tàn nhẫn cả thể xác và tinh thần. Sau đó chị đã ôm bốn người con bỏ trốn lên TP.HCM và được các chị em trong hội phụ nữ cưu mang, đùm bọc. Chính vì vậy chị tiếp sức cho những người sau. Căn nhà nhỏ xíu của chị chính là trụ sở của địa chỉ tin cậy phường 14, quận Gò Vấp. Chị cho biết: “Vì tôi sống đơn thân nên các chị em tới đây để tâm sự hoặc tạm lánh cũng không thấy ngại ngần. Tôi lấy kinh nghiệm của chính mình và từ các lớp tập huấn để khuyên chị em không được im lặng chịu đựng”.
Các chi hội phụ nữ, khu phố trong phường đều có thông báo về số điện thoại và địa chỉ tin cậy đóng tại nhà chị Thủy.
Nhịp cầu hóa giải mâu thuẫn
Nhà chị NTV ở gần địa chỉ tin cậy nên mấy lần chị bị chồng đánh đã chạy đến đây để tạm lánh. Chị cho biết chồng chị bình thường hiền lành nhưng hễ rượu vào là anh biến thành con người khác, đánh đập vợ con thừa chết thiếu sống. Có lần bị đánh, chị cầu cứu những chị em ở đây. Đêm đó, chồng chị bị “hốt” lên công an phường hôm sau mới cho về.
Sau hai lần bị “hốt”, chồng chị rất xấu hổ với hàng xóm nên càng hay gây gổ với vợ. Cuộc sống vợ chồng rất căng thẳng, các con chị không tập trung vào việc học được. Tuy nhiên, chị không muốn ly hôn vì vẫn còn thương anh. Nhưng cha mẹ anh bênh con, đuổi đánh con dâu ra khỏi nhà. Chị uất ức khóc với các chị trong tổ tham vấn vì vừa bị chồng bạo hành, vừa bị cả gia đình chồng ruồng rẫy.
Các chị trong địa chỉ tin cậy vài lần “vô tình” gặp cha mẹ chị V., cho biết chính các hội đoàn thể đã can thiệp và báo công an chứ không phải con dâu ông bà. Chị cũng tâm sự rằng chị V. rất lo cho chồng, lỡ anh tiếp tục uống rượu vào có thể sẽ bị lên phường lần nữa… Sau vài lần như vậy, ông bà thay đổi thái độ, quay sang ủng hộ con dâu và cấm hẳn con trai uống rượu. Chị V. cũng được các chị trong địa chỉ tin cậy chia sẻ kinh nghiệm hóa giải các mâu thuẫn trong gia đình để không phát sinh bạo lực. Để rồi hôm nay chị V. khoe với tôi rằng gia đình nhỏ của chị hiện sống hạnh phúc, “cả gia đình chồng bây giờ là đồng minh của em rồi!”.
Những địa chỉ cần tìm đến khi bị bạo hành
Một số địa chỉ tin cậy hoạt động khá tốt, các chị em bị bạo hành có thể liên hệ tại đây để được giúp đỡ:
– Quận Gò Vấp: 72/1R1 Phạm Văn Chiêu, phường 14.
– Quận 5: 463 An Dương Vương, phường 3, quận 5.
– Quận Tân Phú: 28 Hiền Vương, phường Phú Thạnh.
– Quận 12: 62/2 tổ 6 khu phố 5, phường Thạnh Xuân.
– Quận Tân Bình: 66/65 Phan Sào Nam, phường 11.
– Quận Bình Thạnh: 140/20B Trường Sa, phường 15.
Ngoài ra, ở tất cả phường của các quận, huyện đều đã thành lập địa chỉ tin cậy cộng đồng. Các chị em có thể liên hệ với UBND phường hoặc chi hội phụ nữ ngay nơi mình sinh sống để được hướng dẫn.
_____________________________________
Theo thống kê từ Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL), cả nước hiện có hơn 30.000 địa chỉ tin cậy cộng đồng nhằm hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành gia đình. Đa phần các địa chỉ tin cậy được thành lập mang tính chất tự nguyện như nhà riêng của cá nhân bí thư chi bộ, trưởng thôn xóm, chủ tịch cựu chiến binh… Tùy theo điều kiện và khả năng thực tế, địa chỉ tin cậy tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết. Tại TP.HCM có hơn 230 địa chỉ tin cậy, với sự tham gia của gần 12.000 thành viên. Thông qua mô hình này, các trường hợp bạo lực gia đình đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, số nạn nhân bạo lực gia đình tìm đến địa chỉ tin cậy chưa nhiều. Nguyên nhân chính là do các chị em còn tâm lý e ngại, xấu hổ, không dám chia sẻ, ngại sử dụng các dịch vụ hỗ trợ tại địa phương.
Nguồn: Theo Pháp luật Tp.HCM
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.