Chị Thu ( sinh năm 1962 quê ở Tam Dương – Vĩnh Phúc) buồn bã kể cho phóng viên nghe bi kịch cuộc đời chị trong khi chị và chồng đang ngồi nghỉ ở tòa án để đầu giờ chiều tiếp tục xử vụ tranh chấp tài sản khi li hôn.
Người phụ nữ hơn 50 nhưng nước da sạm lại, chi chít vết chân chim, hai bàn tay to bè, thô ráp, nổi lên những vết chai sần, bộ quần áo chân phương, cũ kĩ, mái tóc đã nhuốm màu thời gian búi gọn lại. nhìn chị là ai cũng hiểu cái nỗi vất vả của một người đàn bà lam lũ. Chị Thu lấy chồng khi mới 19 tuổi, chồng là người ở làng bên. Thời chị chuyện kết hôn sớm không phải là cái chuyện gì lạ lẫm, chị cũng như bao người phụ nữ thôn quê khác, sinh con tằng tằng vài ba đứa sau khi lấy chồng “đẻ một thể rồi tập trung nuôi, nó còn bé thì mình vất tý chứ vài năm nó lớn, thằng anh nó cõng con em, thế là mình nhàn” chị bảo thế.
Nhàn đâu chả thấy chỉ thấy 3 cái tàu há mồm nheo nhóc, nhà chị làm nông, chồng làm thợ mộc, lấy nhau được 10 năm thì có đến quá nửa thời gian ấy là cả nhà đói, nhất là vụ giáp hạt. Tiền học hành cho con, chồng khi ốm khi đau, lại nghiện rượu, nhà có ruộng nhưng mình chị làm không nổi, vụ nông nhàn chị đi tứ xứ để làm ăn gửi tiền về nhà nuôi con. Mà ông chồng chị kể cũng lạ, nhiều người thân làm chồng làm cha người ta có trách nhiệm với gia đình mình lắm, bao nhiêu ông chồng ở cái làng chị đã đi ra thành phố mưu sinh đủ đường để kiếm tiền về nuôi vợ con, để vợ ở nhà chăm lo nhà cửa ruộng vườn, con cái. Đằng này chồng chị thấy chị mở lời đi làm ăn xa thì phấn khởi động viên vợ đi ngay, thôi thì “mình không đi thì con mình đói khổ, thương lắm, tội lắm!”. Chị ngừng lại lấy vạt áo lau giọt nước mắt đang chực lăn xuống, ở người đàn bà này đến cái khóc, cái buồn trông cũng thê thảm, kiểu bị kìm nén quá lâu và luôn phải cố gắng nuốt cái đau đớn của mình xuống để chiến đấu với cơm áo gạo tiền vậy.
5 năm trước, xã chị có phong trào đi xuất khẩu lao động, chính quyền xã cũng động viên và giúp đỡ chị em vay vốn để đi nên chị Thu về bàn với chồng. Như mọi lần, chồng chị lại hồ hởi “ừ, mẹ nó đi đi kiếm tiền về cải thiện kinh tế!’. Chị bảo “thấy chồng cứ động viên mình đi làm trong khi bản thân chồng thì ở nhà nằm dài uống rượu, mình cũng buồn. Nhưng lại nghĩ cái đời mình nó vậy, thôi thì vì con…” nên chị quyết tâm xa xứ để kiếm thật nhiều tiền về thay đổi kinh tế gia đình.
5 năm ra đi bôn ba nơi xứ người, chị không từ một việc vất vả chân tay nào để có thể kiếm tiền gửi về cho chồng con. Số tiền trong vòng 5 năm chị kiếm được phải đổi bằng máu và nước mắt là hơn 700 triệu. Mỗi khi gửi tiền về nhà chị Thu đều dặn chồng chi tiêu các khoản sao cho khéo: Tiền trả nợ ngân hàng, cho con ăn học, xây lại cái nhà cấp 4, tiền mở cái xưởng mộc và bán thêm một ít đồ gỗ, còn lại gửi tiết kiệm phòng lúc ốm đau, chờ chị về hai vợ chồng tính kế làm ăn buôn bán. Mỗi lần điện thoại chồng chị đều răm rắp nghe theo, chị yên tâm lắm, nhiều khi bảo gặp con hỏi han thì chồng chị toàn lấy cớ nó đi học, nó đi chơi…không cho gặp. Khi gặp hỏi han tình hình ở nhà thì con cứ ngập ngừng bảo “mẹ hỏi bố ý!” làm chị cũng phân vân nhưng rồi tặc lưỡi cho qua…
Năm năm trôi vèo cái, tay chị lại thêm những chai sần, mắt chị trũng xuống, già nua hơn cái tuổi 50, vẫn lam lũ, vẫn khắc khổ…nhưng chị yên tâm hơn vì khi trở về đã có kinh tế ổn định, vợ chồng con gái từ đây sum vầy…Ai ngờ đâu, đời chị chưa bao giờ được thỏa nguyện dù rằng chị là người đàn bà vừa xây nhà vừa xây tổ ấm.
Đặt chân đến nhà chị vẫn thấy căn nhà ngói ba gian hai mái xập xệ mấy chục năm chưa sửa, tiêu điều vắng vẻ. Trước khi về chị đã gọi điện báo thế nhưng cả nhà vẫn không thấy ai. Cửa thì khóa kín, chị đành sang nhà hàng xóm chào và hỏi han tình hình thì mới ngã ngửa: Ba đứa con sang nhà ông bà ngoại ở từ lâu, chồng chị thì ở cùng vợ bé ở làng bên từ khi chị đi tha hương nơi xứ người! Chị Thu không thể tin vào tai mình được nữa, gia đình chị lại tan nát thế này sao? Tại sao? Chị lao đến nhà cha mẹ đẻ cách đó hơn cây số thì thấy mấy đứa con đang ở sân, đứa thì thái chuối, đứa thì đan chiếu…thấy mẹ về, chúng nó òa khóc ôm chặt lấy mẹ. Mấy mẹ con cứ đứng ngoài sân khóc rưng rức, bố mẹ đẻ chị già rồi, lọm khọm lắm, lại bị cái bệnh lú lẫn tuổi già lúc nhớ lúc quên nên đứng ở bậu cửa nhìn con gái cười ngơ ngẩn.
Mấy đứa ríu rít kể nó nhớ mẹ, nó thương mẹ như nào, nó bị bố nó cấm gọi điện cho mẹ ra sao, bố nó mang hết tiền mẹ gửi đi xây nhà và mở quán cho bồ thế nào…chị Thu nghe mà lòng như dao cứa. Một mớ hỗn loạn trong lòng chị không thể gỡ nổi, không biết phải làm sao để chống chọi với cơn giông tố cuộc đời, chị nín nhịn để nước mắt không chảy cho con nó đỡ buồn, đưa tiền bảo bọn nhóc đi chợ mua cái gì thật ngon để mấy mẹ con ông bà làm bữa cơm đoàn tụ, chị nuốt nước mắt vào lòng để ăn bữa cơm ra vẻ ngon miệng cho tụi trẻ con yên lòng, chị bảo “Có mẹ đây rồi, các con cứ yên tâm!”.
Tối hôm ấy chị tìm đến tận nhà ả nhân tình và gã chồng tệ bạc kia để làm cho ra nhẽ. Bồ của gã mắt xếch ngược lên ra điều không thèm tiếp chị, trong khi cái nhà này là tiền của chị, cái cửa hàng tạp hóa này cũng là tiền của chị, gã chồng đốn mạt này cũng là chồng chị. Chị sôi máu lên muốn đập cho bọn gian phu dâm phụ một trận thì gã chồng cậy vũ phu đánh chị ngay trước mắt ả nhân tình, đuổi chị ra khỏi căn nhà ấy và nói “tao sẽ ly hôn với mày ngay ngày mai, tao chỉ chờ đến ngày này thôi!”. Nói xong đóng rầm cửa lại, vứt chị đi như một cái giẻ đã quá rách không thể lau chùi được nữa.
Chị Thu về nhà trong trạng thái bầm dập, vừa đau đớn về thể xác vừa ê chề về tinh thần, cũng may bọn trẻ con đã ngủ cả, không thì chị không biết phải nói sao với chúng về những vết bầm trên mặt…chị khóc trong câm lặng sướt đêm, hôm sau mặt mũi sưng vù lên, ai hỏi thì chị bảo “đi đêm không thấy đường nên rơi xuống hố!”.
Hôm sau y hẹn, gã chồng ngoại tình bạc bẽo phóng xe máy đến, mặt hằm hằm ném lá đơn ly hôn vào mặt chị bắt kí, chị bảo “ông trả lại hết tiền cho tôi thì tôi kí!”. Gã chồng quắc mắt lên “tiền nào của mày? Tiền vào túi tao là của tao!”. Chị bảo “Tôi vẫn còn giữ hết chứng từ, biên lai gửi tiền, nếu ông không trả, tôi không kí!”. Một trận mưa đòn diễn ra trong căn nhà lụp xụp, bọn trẻ con thấy bố mẹ đánh nhau thì lao vào can, bố mẹ đẻ chị thì ú ớ…thật thảm cảnh!
Cuối cùng chị vẫn phải kí nếu không gã dọa sẽ chặt tay chị, mà chị sợ lắm, vì chị biết đến nước này thì chẳng có gì mà gã không dám làm, nên chị kí, không phải để giải phóng cuộc đời mà là để lành lặn mà tiếp tục nuôi con, nuôi cha mẹ già đang đau yếu…
Phiên tòa tiếp tục phân xử quyền sử dụng ngôi nhà ba gian hai trái là tài sản chung của hai vợ chồng khi lấy nhau, gã chồng gân cổ cò lên “đấy là đất thầy u tôi cho, nó có quyền gì mà đòi chia?” mặc kệ thẩm phán đang xét xử theo quy định của pháp luật. Khi biết phải chia đôi căn nhà, gã quắc mắt lên nhìn chị như con dã thú khát máu “để rồi xem cái nhà đấy là của ai?”.
Chị Thu vẫn im lặng, dường như cuộc đời chị việc cất lên tiếng nói bình quyền với chồng là chưa bao giờ có, chị bảo “tất cả là tại tôi cô ạ! Là tại mình ngu, mình dại, mình hèn nên mình gánh hết! Thôi thì lại nghĩ cho con vậy, giờ mình làm to lên thì con cái nó lại khổ, mà chúng nó khổ quá rồi, mình thì thế nào cũng được, nhưng nhìn con khổ, mình không đành…”.
Vậy là chị trắng tay, tài sản lớn nhất vẫn là 3 đứa con đang tuổi lớn, sức khỏe sau bao năm lam lũ đã giảm đi nhiều, còn cha mẹ già đang như chuối chín cây, những gánh nặng cơm áo gạo tiền vẫn đè nặng cuộc đời bi thảm của người đàn bà xây được nhà nhưng không thể xây được tổ ấm, mà căn nguyên bất hạnh lại chẳng phải do mình gây ra…
Lâm Anh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.