Bí kíp để xem “Mặt trăng máu” đặc biệt nhất thế kỷ 21
Vào lúc chiều tối ngày 4/4 tới đây, khi Mặt trăng mọc dần lên ở chân trời phía Đông, người dân Việt nam cùng cư dân một số vùng trên thế giới có cơ hội quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần hay còn gọi là “Mặt trăng máu” đầu tiên trong năm 2015.
Lúc này, bóng tối của Trái đất sẽ bao phủ hoàn toàn Mặt trăng trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 4 phút 43 giây. Mặt trăng cũng sẽ không còn có màu vàng như thường lệ mà thay vào đó là có màu đỏ máu. Theo thống kê, có lẽ đây là lần nguyệt thực toàn phần ngắn nhất của thế kỷ XXI.
Trừ châu Âu, châu Phi và một phần nhỏ khu vực châu Á không quan sát được, thì các vùng còn lại đều có thể quan sát được nguyệt thực lần này (toàn phần hay một phần).
Các nước ở khu vực Bắc Mỹ và Úc và Đông Á sẽ có điều kiện quan sát thuận lợi nhất sự kiện lần này. Lần nguyệt thực toàn phần này về vùng quan sát và thời gian quan sát tại nước ta gần tương đồng với lần nguyệt thực toàn phần liền trước đó ngày 08/10/2014.
Hình ảnh Mặt trăng chụp tại Colorado vào ngày 8/10/2014.
“Mặt trăng máu” hiện ra bên cạnh Điện Capitol Hoa Kỳ ngày 08/10/2014.
Tuy vậy lần nguyệt thực toàn phần này khá đặc biệt bởi nó diễn ra vào thời điểm thời tiết thuận lợi hơn, vào giai đoạn toàn phần diễn ra Mặt trăng cũng lên cao hơn so với chân trời, thuận lợi cho quan sát.
Lịch trình xảy ra hiện tượng Mặt trăng máu ngày 04/04 (giờ Việt Nam).
Mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối lúc 16h01′
Bắt đầu pha một phần lúc 17h15′
Bắt đầu pha toàn phần lúc 18h57′
Đạt cực đại lúc 19h00
Kết thúc pha toàn phần lúc 19h02′
Kết thúc pha một phần lúc 20h44′
Mặt trăng đi ra khỏi vùng bóng nửa tối lúc 21h59′ (kết thúc hoàn toàn)
Tại Việt Nam, giờ Mặt trăng mọc trong ngày này là 17h25‘, có nghĩa là giai đoạn trước giờ này chúng ta không thể theo dõi hiện tượng. Ngoài ra, việc quan sát Mặt trăng ngay ở chân trời chỉ có thể thực hiện với người ở vùng ven biển.
Như vậy, đối với đa số người sống tại Việt Nam, thời điểm bắt đầu quan sát được hiện tượng sẽ bắt đầu từ sau 18h00 (khi đã diễn ra được một phần pha toàn phần) và có thể quan sát toàn bộ cho tới khi nguyệt thực kết thúc.
* Điểm chú ý cần “bỏ túi” khi bạn xem nguyệt thực toàn phần:
Nguyệt thực chỉ đáng chú ý từ khi pha một phần bắt đầu, bởi khi diễn ra Nguyệt thực nửa tối, Mặt trăng chỉ tối hơn một chút so với trăng tròn thông thường, và hầu như không có gì khác biệt. Cũng qua quan sát bóng của Trái đất phủ lên bề mặt Mặt trăng mà chúng ta biết Trái đất có dạng hình cầu.
Khi quan sát Nguyệt thực, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần thiết bị bảo vệ mắt nào. Tuy nhiên quan sát Nguyệt thực sẽ thú vị hơn khi sử dụng ống nhòm và kính thiên văn nhỏ, để nhìn rõ được bề mặt màu đỏ của Mặt Trăng.
Chọn địa điểm thoáng đãng, có không khí trong lành, ít khói bụi và càng tránh xa ánh đèn đô thị càng tốt.
Nếu ngắm thôi chưa đủ và bạn muốn lưu giữ lại những kỷ niệm này thì cần chú ý đến ánh sáng, tốc độ chụp của máy ảnh hay smartphone.
Để chụp trực tiếp bằng smartphone, bạn nên đặt điện thoại lên một vị trí tựa chắc chắn hoặc trên một tripod, điều này sẽ giúp ảnh không bị rung do tay và có máy có thể chụp ở tốc độ rất thấp mà hình không bị nhòe.
Các bạn không nên sử dụng chế độ zoom trong điện thoại vì nó không giải quyết được vấn đề gì ngoài việc làm giảm độ chi tiết của ảnh – hãy cứ chụp bình thường và phóng lớn lên sau ở khâu hậu kì.
Máy ảnh du lịch có lợi thế hơn so với điện thoại ở khả năng zoom quang học (từ 3x cho tới 60x tùy loại). Hãy thiết đặt ở chế độ chỉnh tay hoàn toàn hoặc bán tự động.
Iso thay đổi linh động tùy độ sáng trong các pha của Mặt trăng; đặt máy lên một mặt cố độ hoặc tripod để có thể chụp ở tốc độ thấp, lấy nét ra vô cực, chụp hẹn giờ sau vài giây để tránh rung do tay.