1. Làm mẫu
Nếu bạn thường xuyên ăn những thực phẩm không lành mạnh thì đừng nên kỳ vọng bé sẽ thích những thức ăn đó nhé. Vì vậy, bố mẹ nhất định phải trở thành tấm gương cho bé, bằng cách hãy chỉ ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe trong bữa ăn hàng ngày để con hiểu được ăn uống như thế nào là hợp lý. Đồng thời, bố mẹ cũng nên giải thích với con rằng rau củ thì có lợi ra sao, và đồ ăn nhanh chẳng tốt cho con như thế nào,… để hướng dẫn con đưa ra những lựa chọn lành mạnh và khôn ngoan về thực phẩm.
2. Thay đổi thực đơn
Cố gắng mỗi ngày cho bé ăn 1 loại rau khác nhau và chế biến theo những cách khác nhau. Rau có thể được luộc, nướng, hấp, làm salad, hoặc chế biến ở dạng nước ép,… Hãy thử dùng nhiều loại rau và chế biến theo nhiều cách khác nhau cho đến khi mẹ tìm thấy những loại rau mà con bạn sẽ thích và theo cách nấu mà chúng muốn ăn nhất. Các bà mẹ lưu ý đừng nấu rau quá chín. Hấp hoặc dùng lò vi sóng có thể giữ được chất dinh dưỡng nhiều hơn khi luộc.
Một khi trẻ đã tìm thấy vị ngon và sự thích thú với 1 loại rau củ nào đó, chúng cũng sẽ có hứng thú “thử” thêm những loại khác nữa.
3. Đưa ra kỷ luật cần thiết
Trẻ em thường không thích thay đổi thói quen của chúng, vì vậy khi chúng bỗng không thích 1 món ăn nào đó, hãy bình tĩnh giải thích rằng: “Đây là những gì chúng ta có cho bữa ăn này”. Nếu trẻ vẫn cương quyết từ chối không ăn, cha mẹ chỉ cần cất thức ăn đi và để cho trẻ ăn khi chúng đói.
Hãy nhớ rằng, nhà của bạn không phải là 1 nhà hàng hay quán cà phê để những đứa trẻ không thích thì không ăn. Sau bữa ăn, nếu chúng kêu đói, hãy lấy đồ ăn ra và hâm nóng lại nếu cần thiết.
4. Kết hợp rau vào bữa ăn của con
Nếu con bạn thích mì ống và pho mát, hãy cho thêm rau cải xanh hoặc đậu Hà Lan. Nếu con bạn thích spaghetti, hãy trộn thêm cà chua, nấm hoặc đậu Hà Lan và cà rốt vào nước sốt. Đôi khi trộn trực tiếp rau vào món ăn ưa thích của trẻ sẽ làm cho chúng ăn mà không hề hay biết.
Các mẹ cũng có thể thử xay rau và trộn với nước trái cây. Hãy cố gắng để con có thể uống loại nước này nhiều hơn. Các thành phần kết hợp như cà rốt, táo và nước ép cần tây thường có hương vị rất tuyệt vời.
5. Rèn thói quen từ nhỏ
Khi con bạn còn là những đứa trẻ sơ sinh, hãy để chúng thấy bố mẹ thường ăn nhiều thức ăn khác nhau, đặc biệt là trái cây và rau quả. Mặc dù trẻ nhỏ thường được ăn thực phẩm chứa rau và trái cây riêng nhưng khi chúng bắt đầu ăn cùng gia đình, những gì bạn ăn sẽ ảnh hưởng lớn đến những gì con thích ăn. Nếu bạn hiếm khi ăn các loại rau và trái cây trong bữa ăn, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu con bạn cũng có thói quen tương tự.
Vì vậy, hãy tìm những món ăn mà con bạn đã thích như bánh nướng xốp hoặc sữa chua,… sau đó hãy thử tìm công thức nấu ăn để có thể cho thêm trái cây hoặc rau quả vào chúng, ví dụ như cho thêm chuối vào bánh hay táo vào sữa chua,…
6. Tạo cảm hứng ăn uống
Biến tấu ngộ nghĩnh cùng rau và trái cây chính là 1 cách thu hút trẻ đến với các món ăn này. Hãy thử dùng đôi tay khéo léo để tạo ra 1 khuôn mặt hình tròn với quả nho tạo thành đôi mắt, lông mày, chiếc mũi làm từ chuối và miếng táo tạo thành chiếc tai. Trẻ sẽ rất thích thú những thứ ngộ nghĩnh, đáng yêu như vậy và có cảm hứng ăn uống hơn.
Thụy Du – (Dịch theo WH)
(Theo congluan.vn)
(Theo congluan.vn)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.