Bí kíp phải biết để không “lạnh cóng” khi đi ngắm băng tuyết

0
107
Bí kíp phải biết để không 'lạnh cóng' khi đi ngắm băng tuyết
Những ngày cuối tuần này, thời tiết tiếp tục rét đậm, rét hại. Trong khi những ngày qua, các khu vực núi cao như Phia Oắc (Cao Bằng) hay Sa Pa, Ô Quý Hồ (Lào Cai) đã có hiện tượng băng giá xuất hiện. Sự kỳ thú của thiên nhiên là điểm hấp dẫn các du khách lên với khu vực này vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, khi đến những khu vực này cũng cần phải chuẩn bị những vật dụng để đảm bảo sức khỏe cá nhân.
Quần áo, giày dép, dầu nóng
Trao đổi với chúng tôi, lương y Nguyễn Trung cho hay, để đảm bảo sức khỏe ngoài việc mặc ấm và kín phải bảo vệ được gan bàn chân và gan bàn tay. Đây là hai khu vực rất quan trọng, nếu để gan bàn chân và gan bàn tay nhiễm lạnh rất dễ bị cảm lạnh, sốt, đau đầu.
Ngoài các loại quần áo, hành lý, đừng quên mang theo thuốc phòng cảm lạnh, ốm đột xuất. Các loại thuốc cần có là hạ sốt, đau bụng, chữa rắn hay côn trắng. Đặc biệt lưu ý các loại dầu gió, cao nóng để bôi lên mũi, ngoài cổ, thái dương nhằm cản gió hoặc giúp cơ thể nóng lên khi bị lạnh.
“Khi đến vùng núi cao có nhiệt độ hạ thấp phải chuẩn bị những đồ đạc để che kín được khu vực bàn tay và bàn chân, cổ họng. Nhưng mức nhiệt hạ thấp hơn so với đồng bằng nên có thể phải đi 2 chiếc tất chân, dùng găng tay giày, quàng khăn kín và đừng quên chụp tai”, lương y này nói.
Ngoài ra, khi chọn tất nên chọn loại tất chống thấm ướt. Đây là loại tất lý tưởng để có thể đi trong tiết trời có mưa nhỏ hoặc trên bền mặt có băng tuyết, hoặc lỡ đi vào vũng nước cũng sẽ không bị lạnh chân. Còn với găng tay cần chọn loại dày bằng 2-3 lần so với găng tay bình thường, tốt nhất chọn loại găng tay không thấm nước.
Bí kíp phải biết để không 'lạnh cóng' khi đi ngắm băng tuyết
Loại giày chuyên dụng đi vùng núi và loại quần dày kèm lớp mỏng bên trong sẽ giúp tránh rét hiệu quả
“Với áo khoác cần phải chọn loại dày, bên trong phải mặc áo lót để giữ nhiệt. Áo khoác ngoài cùng là loại áo có khả năng cản gió, không thấm nước. Bên trong mặc thêm loại áo ấm làm bằng sợi cotton hoặc len giúp giữ nhiệt rất tốt. Loại áo phao lông vũ là lựa chọn nên đặt lên hàng đầu. Vì phần phao bên ngoài cản gió và nước, còn phần lông vũ có tác dụng giữ ấm, giữ nhiệt”, lương y nhấn mạnh.
Quần Jeans chỉ thích hợp những chuyến đi biển, đi gần hoặc đi lúc thời tiết mát mẻ. Còn quần Jeans không phù hợp với những ngày giá lạnh. Đặc biệt những loại quần Jeans thời trang nhìn chất khá dày nhưng thực tế không có tác dụng giữ nhiệt. Khi đi lại bạn sẽ cảm thấy lạnh chân, cổ chân, đùi khiến lạnh toàn thân. Cho nên, không chọn quần Jeans thời trang có nhiều vết rách, chọn loại bó vào chân nhưng lưu ý mặc thêm một lớp quần tất, quần có chất liệu len hay cotton bó sát bên trong. 
Địa hình vùng núi cao có thể xảy ra trơn trượt, vì vậy bạn cần chọn loại giày chắc chắn ở phần đế, không dùng giày đã cũ nát từ lâu. “Ở những giày đã cũ nát, phần đế bị mòn, rất dễ ngã do trơn trượt. Chọn giày chống thấm, đế mềm, tốt nhất nên là giày mới hoặc tuổi thọ sử dụng chưa lâu”, lương y cho biết.
Tránh sốc nhiệt
Còn bác sĩ đa khoa Văn Giàu cho hay, khi ở vùng khác đến nơi có nhiệt độ thấp, mức nhiệt quá chênh lệch có thể khiến bạn bị sốc nhiệt. Vì vậy, không nên đi ra ngoài ngay mà phải ở trong nhà nghỉ, khách sạn sau đó phải tập làm quen với thời tiết bằng khởi động nhẹ.
Khi đi du lịch đến nơi lạ cần cẩn trọng khi thử các đồ ăn thức uống chưa quen. Nên dùng một ít trước để xem xét sau đó mới dùng thêm tránh đau bụng. Mặt khác, bạn cần chọn ăn những món sinh nhiệt cho cơ thể như lẩu, đồ ăn nóng, cơm nóng, canh nóng, món ăn chế biến bằng quay hay nướng, món ăn chế biến với sả, gừng…
“Đi du lịch để khám phá nhất là đi ngắm băng tuyết sẽ phải đi nhiều nơi, đặc biệt leo lên những miền núi cao, sau mỗi ngày đi phải ngâm chân bằng nước nóng để các cơ ở bàn chân được giãn nở, tránh mỏi, đủ điều kiện cho những hành trình sau đó”, bác sĩ Giàu nói.
Khi có các dấu hiệu như lạnh bàn tay, bàn chân, nhiệt độ hạ thấp hay sốt cao cần phải dùng thuốc hạ sốt hoặc đến khám bác sĩ. Thời gian du lịch chỉ kéo dài 2-3 ngày, không quá cần thiết phải tắm nhiều lần. Nếu tắm quá nhiều có thể làm cơ thể nhiễm lạnh, dẫn tới ốm hay viêm phổi. Để giảm bớt cảm giác lạnh, chú ý ăn uống đầy đủ, đúng giờ mang theo dụng cụ đựng nước có thể giữ nhiệt.
Bệnh mùa đông cần biết:
  • Cách chữa bệnh hen suyễn vào mùa đông bằng mật ong
  • Một số vấn đề về da chị em dễ gặp phải trong mùa đông
  • Cách đơn giản phòng chữa cước chân, tay mùa đông
  • Cách ngăn ngừa dị ứng vào mùa đông
Vũ Minh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.