Bí mật đằng sau cuộc di cư vĩ đại của cua đỏ

Bí mật đằng sau cuộc di cư vĩ đại của cua đỏ

Vào tháng 10 và 11 hàng năm, vài chục triệu con cua đỏ trên đảo Christmas thuộc Australia thực hiện cuộc hành trình dài về phía biển để thực hiện nhiệm vụ duy trì nòi giống.

Cuộc di cư kỳ lạ của loài cua đỏ trên đảo Christmas thuộc Australia là một trong những bí ẩn suốt hàng nghìn năm qua, vì loài cua đỏ thở qua mang và thường chỉ di chuyển với khoảng cách ngắn nên thực sự chúng không hề thích hợp với việc di trú. Theo nhà nghiên cứu Lucy Turner của Đại học Bristol tại Anh, giới khoa học không hiểu tại sao những con cua nhỏ bé lại có sức lực và sự kiên trì ghê gớm để thực hiện chuyến di cư gian nan nhất thế giới.

Bí mật đằng sau cuộc di cư vĩ đại của cua đỏ
Những chú cua đỏ trên hanh trình di cư. (Ảnh NG)

Bằng cách lấy mẫu “máu” trong cơ thể cua đỏ, Turner và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng sự tăng lên của crustacean hyperglycemic – một loại hoóc môn thần kinh điều chỉnh lượng đường glucose trong cơ thể – kích thích hành vi di cư của cua đỏ. Glucose là loại đường có khả năng sản sinh năng lượng. Mỗi khi tới mùa mưa, hệ nội tiết của cua đỏ sản xuất nhiều crustacean hyperglycemic hơn để chúng có thể tích trữ đủ năng lượng cho chuyến trở về rừng sau khi sinh con.

Được biết, trong 1 lần di cư, số lượng cua tham gia có thể lên tới 65 triệu con. Chúng di chuyển được khoảng 700 m một ngày và phải mất từ 9 đến 18 ngày để hoàn thành chuyến đi dài 8 km. Đối với nhiều loài động vật, quãng đường này chẳng có gì ghê gớm. Nhưng với cua đỏ thì đó là hành trình vĩ đại, đặc biệt là khi chúng di chuyển với số lượng hàng chục triệu con.

Những con cua giao phối trong các hang do con đực đào. Sau khi giao phối cua cái bò ra biển. Trứng nở gần như ngay lập tức sau khi tiếp xúc với nước.

 

Theo Bee, National Geographic