Có một bí mật tự nhiên ít ai biết đến. Rằng hàng thế kỉ qua, những con bươm bướm đã dắt mũi thế giới. Bởi phía sau những cánh bướm rập rờn trong những khu vườn, nom thật xinh đẹp với sắc màu thu hút là cả một danh sách nối dài các tiền án tiền sự.
Cũng như bao loài khác đang sinh sống trên hành tinh Trái đất, những con bươm bướm cũng có góc tối trong cuộc đời, và chúng đã sống một cuộc sống che giấu mà con người hầu như không hề hay biết. Điều đầu tiên có thể kể đến là màu sắc của những con bươm bướm. Vẻ ngoài xinh đẹp thật ra có thể là một lời cảnh báo. Như loài bướm vằn cánh dài Heliconius charithonia. Thoạt trông loài này cũng chỉ thật ngây thơ vô tội như bao loài bươm bướm khác. Nhưng bướm vằn cánh dài cũng đồng thời là loài có độc nổi tiếng.
Loài bướm vằn cánh dài xinh đẹp nhưng có độc nổi tiếng.
Không những vậy, “tính độc” của chúng xuất hiện ngay từ giai đoạn sâu bướm. Những con sâu bướm của loài bướm vằn cánh dài là loài ăn thịt. Nhà xảy ra cảnh huynh đệ muội tương tàn, những con sâu bướm của loài này ăn thịt chính anh chị em của mình.
Nếu câu chuyện đó vẫn chưa đủ độ tàn khốc, hãy nghĩ đến xu hướng dẫn đến hành vi “hiếp dâm nhộng”của chúng. Nhộng là giai đoạn giữa ấu trùng và bướm trưởng thành trong vòng đời của bươm bướm. Do vậy, thuật ngữ “hiếp dâm nhộng” xuất hiện vào chính giai đoạn này.
Khi một con cái sẵn sàng thoát khỏi lớp vỏ nhộng, một nhóm các con đực vần vũ quanh con cái, xô đẩy nhau và vỗ cánh chèn ép nhau xung quanh. Kẻ chiến thắng của cuộc ẩu đả này sẽ được giao phối với con cái. Nhưng bản năng con đực của chúng thường mạnh đến nỗi con đực giao phối với con cái trước khi con cái kịp thoát ra khỏi lớp vỏ nhộng.
Đó là lí do thuật ngữ “hiếp dâm nhộng” hình thành bởi vì con cái bị kẹt bên trong lớp vỏ nhộng và không có lựa chọn nào khác. Các nhà sinh học thường dùng cách nói “giao cấu cưỡng bức” hoặc “giao phối nhộng” để nói về hiện tượng này.
Bướm vằn cánh dài là loài bướm của bang Florida, Mỹ và lí do khiến chúng có được vinh dự này có thể là nhờ vẻ ngoài xinh đẹp của chúng. Nhưng đừng vội quy kết bướm vằn cánh dài là loài bướm dị thường, bởi rất nhiều họ hàng loài bướm đều có hành vi tương tự.
Vào một ngày nọ tại khu rừng Bắc Nandi ở Kenya, nhà côn trùng học Dino Martins đang chăm chú quan sát một cuộc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay giữa hai con bướm hoàng đế Charaxe. Trong khung cảnh nhựa rỉ ra và lên men từ một khúc gỗ rơi, một đàn bướm đang cao hứng giải khát và dần trở nên say xỉn, hai con bướm hoàng đế Charaxe xuất hiện và bắt đầu cuộc ẩu đả. Chúng bay vòng quanh nhau và đánh người vào nhau. Cuộc chiến kết thúc với khung cảnh những mảng cánh nhỏ của kẻ thua cuộc rơi lả tả xuống nền rừng.
Một đàn bướm vây quanh một đống phân voi ở Kenya.
Nói về loài bướm hoàng đế, nhà côn trùng học Martins cho hay: “Chúng là loài nhanh, mạnh và thức uống yêu thích của chúng là loại mạnh hơn mật hoa: nhựa cây lên men, phân tươi và xác thối”. Khi bắt gặp món đồ uống khoái khẩu, những con bướm hoàng đế sà xuống, duỗi thẳng vòi, tu ừng ực để thưởng thức những loại muối và amino acid không thể có được từ cây xanh. Đây gọi là vét vũng bùn, một hành vi rất phổ biến của loài bướm. Ngoài các vũng nước trên mặt đất, loài bướm còn khoái uống mồ hôi, nước mắt…
Mặc dù sở hữu rất nhiều thói hư tật xấu, tuy nhiên, câu chuyện của những con bướm không phải lúc nào cũng ám màu sai trái. Chúng bắt đầu vòng đời là những con sâu bướm ngấu nghiến lá cây hoặc cũng có thể là loài ăn thịt.
Một số loài bướm thậm chí còn là loài kí sinh trong giai đoạn sâu bướm. Đó là câu chuyện của bướm Maculinea rebeli. Chúng lợi dụng loài kiến để rũ bỏ trách nhiệm nuôi con. Những con sâu bướm tuy nhỏ bé nhưng quỷ quyệt, biết cách mô phỏng âm thanh của kiến chúa. Kết quả là, kiến thợ rước chúng vào tổ để cung phụng.
Ở bên trong, chúng sống cuộc sống hoàng gia và kiến thợ bị thôi miên phải cơm bưng nước rót phục dịch loài sâu bướm này. Thi thoảng, kiến y tá thậm chí còn hy sinh kiến con để nuôi sâu bướm khi nguồn thức ăn khan hiếm. Trong thế giới tự nhiên, nếu phải tìm ra một kẻ lừa đảo sáng tạo ra trò lừa bịp tối thượng, ắt hẳn đó phải là loài bướm Maculinea rebeli.
Theo baotintuc