Bị nghỉ việc vì giao tiếp quá kém!

Bị nghỉ việc vì giao tiếp quá kém!

Ngày đầu tiên đến phỏng vấn, chị Thùy – trưởng phòng nhân sự vẫn không thể quên được hình ảnh của Ngọc đeo chiếc ba lô toát hết mồ hôi, tay nắm chặt vào nhau và lắp bắp nói không ra hơi khi phỏng vấn. Nhìn vào CV của Ngọc và với cách cô thể hiện trong buổi phỏng vấn ứng tuyển vị trí biên dịch, chị Thùy cứ băn khoăn mãi. Vì CV của cô rất sáng, đẹp nhất trong các CV  ứng tuyển vào vị trí này, nhưng khi phỏng vấn thì Ngọc lại thể hiện là một người giao tiếp kém, chị Thùy cũng đắn đo suy nghĩ, nhưng phần vì thấy công việc của Thùy cũng không cần phải giao tiếp quá nhiều vì nặng tính chuyên môn, phần vì cô cũng bày tỏ mong muốn được làm công việc này và sẽ hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình nên chị Thùy đồng ý kí hợp đồng thử việc 2 tháng với Ngọc, sau hai tháng dù thừa nhận khả năng làm việc của Ngọc nhưng phía công ty vẫn cho cô nghỉ việc vì lý do trên.

Đi làm gần nửa tháng nhưng đồng nghiệp trong công ty không hề biết đến sự tồn tại của Ngọc, vì ngoài lần đầu tiên cô líu ríu chào mọi người ra mắt, từ hôm sau đi làm cô cứ hát bài ca “im thin thít”, lặng lẽ đến lặng lẽ về, không giao tiếp trò chuyện với một ai. Tất cả công việc đều trao đổi qua mail một cách lặng lẽ, có những khi họp giao ban toàn công ty, Ngọc cũng đến ngồi im thin thít một góc, lúi húi ghi chép cái gì đó, khi sếp hỏi thì cô giật mình lý nhí trả lời chẳng ra câu. Một vài lần như thế, sếp cũng nản mà bỏ qua Ngọc luôn.

Bị nghỉ việc vì giao tiếp quá kém!

Những sự vụ như đi ăn trưa cùng đồng nghiệp hay cuối ngày hẹn nhau đi café cũng không bao giờ có mặt Ngọc. Cứ đến giờ nghỉ trưa là Ngọc lặng lẽ ra cầu thang bộ phía sau nhà ăn cơm trưa một mình, rồi lặng lẽ vào bàn ngủ gục, cô không tiếp chuyện cùng ai vì không biết phải nói gì với đồng nghiệp, dù cô và họ vẫn trao đổi email hàng ngày với nhau.

Những hoạt động chung của công ty như team building Ngọc cũng cáo ốm không tham gia,  hầu như không thấy hoạt động nào có sự hiện diện của Ngọc. Có lần, công ty tiếp một đoàn khách nước ngoài, nhiệm vụ của Ngọc là phiên dịch, đứng trước một nhiệm vụ rất đơn giản với chuyên môn của cô nhưng cô lúng túng như gà mắc tóc, mặc dù chỉ là phiên dịch nhưng cô toát hết mồ hôi, nói năng lắp bắp, thậm chí lạc cả giọng. Trong buổi họp hôm ấy, ai cũng nhìn thấy sự hồi hộp, lo lắng quá mức của cô, sếp tổng cau mày tỏ ý không hài lòng. Đầu giờ chiều sếp đã yêu cầu đổi người phiên dịch khác vì khả năng diễn đạt của Ngọc quá kém, dù cho cô  phiên dịch rất chuẩn nội dung câu chuyện.

Chưa kết thúc hai tháng thử việc thì Ngọc đã bị chị Thùy trưởng phòng nhân sự gọi vào phòng riêng nói chuyện. Chị thẳng thắn phê bình tác phong làm việc của Ngọc: Thiếu kĩ năng giao tiếp trầm trọng! và chị yêu cầu Ngọc phải  thay đổi nếu như không muốn bị out khỏi vị trí này.

Ngọc cúi đầu lí nhí vâng dạ rồi đi ra, cũng suy nghĩ lung lắm, tìm kiếm thông tin về các mẹo giao tiếp này nọ rồi cũng bắt đầu thử, nhưng khi thấy đồng nghiệp nghỉ trưa bắt đầu tám chuyện thì Ngọc lại cứng miệng không biết mở lời thế nào vì đơn giản là cô chưa bao giờ nói chuyện với ai trong văn phòng, chưa bao giờ góp vui hay đi cùng ai trong giờ ăn trưa thì giờ biết nói chuyện gì đây? Thế nên, Ngọc lại thu mình vào cái vỏ ốc, chấp nhận buông…

Kết quả đã rõ, với một nhân sự không thể cải thiện nhược điểm to đùng của bản thân thì dù chuyên môn có tốt mấy cũng phải out. Bởi giao tiếp luôn là chìa khóa trong mọi câu chuyện, mở mọi cánh cửa đi đến thành công hoặc thất bại. Ai cũng có chìa khóa đó và họ sử dụng như thế nào thôi, nhưng với riêng Ngọc thì cô cần phải tự đúc cho mình một chìa khóa giao tiếp, nếu không cô sẽ mãi mãi chỉ là một  cái bóng mờ nhạt và vô hình với mọi người.

Diệu Quỳnh

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.