Cuộn người như thai nhi có thể là nguyên nhân duy nhất giúp một thành viên phi hành đoàn của chiếc máy bay rơi ở Colombia sống sót.
Tờ New York Post dẫn lời kể của Erwin Tumiri, kĩ thuật viên chuyến bay người Bolivia, một trong sáu người sống sót sau vụ tai nạn làm 71 người thiệt mạng, cho hay trong khi Tumiri ở trong tư thế chuẩn bị cho vụ va đập thì nhiều hành khách trên chuyến bay 2933 đứng bật dậy và la hét trong hoảng loạn khi chiếc máy bay lao từ độ cao 3.350m xuống mặt đất.
Trả lời tờ Fox Sports Argentina, Tumiri nói: “Tôi đặt túi giữa hai chân để tạo tư thế của thai nhi được khuyến cáo áp dụng trong các vụ tai nạn”.
Anh Erwin Tumiri, một trong sáu người may mắn sống sót sau vụ tai nạn máy bay ở Colombia.
Theo Tumiri, khoảng 76 người trên chuyến bay định mệnh không sử dụng kĩ thuật thoát hiểm này, có thể vì không biết lợi ích của phương pháp thoát hiểm này hoặc do quá hoảng loạn.
Dù việc sống sót sau một vụ rơi máy bay là chuyện cực kỳ hiếm, song nhiều hãng hàng không vẫn khuyến khích hành khách sử dụng tư thế sẵn sàng cho va đập để tăng cơ hội sống sót, theo đó, hành khách đặt hai chân lên sàn máy bay, gập người cúi đầu xuống phía dưới.
Có nhiều giả thuyết lý giải vì sao tư thế này được khuyến khích, một trong số đó cho rằng đây là cách để bảo vệ răng của những người trên máy bay. Bằng cách này, các chuyên gia y tế sau đó dựa vào dữ liệu nha khoa để xác nhận danh tính của từng người.
Chiếc máy bay gặp nạn chở theo CLB Chapecoense Real (Brazil) đang đến thành phố Medellin (Colombia) dự trận chung kết Copa Sudamericana. Chỉ 6 trong tổng số 77 người có mặt trên chuyến bay định mệnh sống sót, trong số đó có 3 cầu thủ của CLB Chapecoense là hậu vệ Alan Ruschel, hậu vệ Helio Zemper và thủ thành Jakson Follman. Tuy nhiên, thủ môn xấu số này cũng qua đời sau đó.