Loài chuột chũi không lông châu Phi (tên khoa học Heterocephalus glaber) tuy rất bé nhỏ nhưng có thể sống lâu tới 26 năm hoặc hơn nữa, và điều đặc biệt nhất là chúng vẫn có thể sinh sản ở tuổi rất già.
Nhà nghiên cứu hành vi động vật, giáo sư Paul Sherman của Trường đại học Cornell, New York (Mỹ), đã thử đi tìm câu trả lời cho việc này và ông đưa ra lời giải thích: chuột chũi không lông châu Phi có đời sống xã hội giống như loài côn trùng, thường quần cư thành từng đàn lớn trong hang nằm sâu dưới mặt đất.
Đầu đàn của chúng là một chuột chũi chúa và cũng chỉ có “nữ hoàng” mới có khả năng sinh sản. Dựa vào số lượng đông, đàn chuột chũi có thể bảo vệ tổ trước sự tấn công của những con vật khác, cho phép cả bầy đàn sống an toàn, nhờ vậy chúng sống rất lâu, có thể tới hơn 26 năm.
Bình quân hằng năm, “nữ hoàng” chuột chũi đầu đàn có thể cho ra đời 100 con và cứ duy trì như vậy cho đến năm nó được ít nhất 20 tuổi. Một số nhân tố khác cũng góp phần làm tăng tuổi thọ của loài chuột chũi này phải kể đến nữa là tốc độ trao đổi chất trong cơ thể chúng rất thấp, giúp làm giảm quá trình ôxy hóa (quá trình phá hủy tế bào).
NGUYỄN SINH
Theo Nature, Tuổi Trẻ Online