Du học sinh tìm nhà trọ tại Úc không khó, nếu không nói là dễ hơn tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Với giá trung bình khoảng 150 USD/tuần, bạn có thể thuê được một phòng riêng khá tươm tất đã tính kèm phụ phí điện, nước, ga và mạng Internet.
-
1
Kinh nghiệm của người đi trước
Khi mới sang Australia, tôi không có người quen. Tôi hoang mang lắm về vấn đề nơi ăn chốn ở. Có một điều thú vị là loại hình ký túc xá ở Úc lại khá đắt đỏ. Giá thuê phòng ‘chát’ hơn nhiều so với thuê trọ ngoài.
Tôi tìm hiểu, thấy nhiều người khuyên sinh viên mới sang nên ở homestay (sinh hoạt cùng gia đình người bản xứ), vừa an toàn vừa học hỏi được nhiều về văn hóa. Tuy nhiên, xét đến cùng, homestay là hình thức ở tốn kém nhất.
Khi ở homestay, giá thuê thường gồm cả chi phí ăn uống. Dĩ nhiên, nếu không hợp khẩu vị, bạn cũng có thể thương lượng với chủ nhà để tự nấu nướng riêng nhưng quy ước này thường không được chấp nhận phổ biến.Thực tế cho thấy, du học sinh chỉ lựa chọn gắn bó với homestay một thời gian đầu. Sau khi đã tương đối quen đường đi lối lại, đa số đều chuyển ra thuê trọ ngoài, vừa thoải mái, vừa tiết kiệm.
-
2
Cách tìm nhà trọ
Có nhiều cách tìm nhà trọ ở Úc. Trước hết, bạn có thể thông qua quảng cáo trên các website chuyên dụng như gumtree.com.au, roommatefinder.com.au hay au.easyroommate.com… Phương pháp này cho bạn rất nhiều lựa chọn về loại hình nhà ở. Bạn cùng nhà sẽ đa số là những người đi làm, thuộc đủ mọi ngành nghề khác nhau, và thường thì đến từ khắp nơi trên thế giới, rất thích hợp cho những bạn ưa khám phá và thích giao lưu.
Tuy nhiên, nếu không am hiểu đường đi, địa hình nước Úc, bạn có nguy cơ lãng phí thời gian với những địa chỉ nhà quá xa trường mình học. Hơn nữa, bạn cũng nên đề phòng khi trọ cùng những người tứ xứ thuộc mọi thành phần trong xã hội. Ngoài ra, giờ giấc và cách sống khác nhau đôi khi cũng có thể gây phiền nhiễu.
Cách thứ hai và cũng là cách được sinh viên quốc tế chuộng nhất là tìm nhà trọ qua website trường. Trang mạng các trường đại học Úc được quản trị khá hiệu quả và tạo cơ hội tương tác cao giữa nhà trường với sinh viên, sinh viên với sinh viên. Đa số website mỗi trường đều có khu vực “họp chợ”, tức là forum dành cho sinh viên đăng tuyển quảng cáo tìm phòng trọ, bạn trọ, mua bán trao đổi sách vở hay các đồ đạc khác, tiếp thị các dịch vụ sinh viên và cả nhiều cơ hội việc làm. Ưu điểm của các nhà ở tìm qua đây là giá phòng thường theo khung biểu chung, khá mềm và dễ chấp nhận với sinh viên.Có một thực tế thú vị là nhiều bạn sinh viên quốc tế tại Úc sẵn sàng mạnh dạn đứng ra thuê trọn cả căn nhà, rồi đăng tuyển tìm người đến trọ cùng. Điều này không chỉ giúp ‘khổ chủ’ tiết kiệm tối đa chi phí ở mà nếu quản lý tốt, còn có một khoản thu nhập kha khá tương đương tiền đi làm thêm.
Chủ nhà và bạn trọ đa số đều là sinh viên cùng trường nên mức độ tin tưởng khá cao. Dù đến từ nhiều quốc gia trên thế giới nhưng khi ở cùng nhà, mọi người sẽ dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp chung. Các nhà trọ kiểu này còn có lợi thế là thường gần trường và gần bến tàu, xe, thuận tiện đi lại.Ở Australia, không chỉ du học sinh mà người bản xứ cũng rất thích sử dụng các phương tiện công cộng. Hệ thống xe bus, xe điện (xe tram) và tàu hỏa đưa bạn đi khắp khu trung tâm thành phố và các vùng phụ cận. Khoảng cách tầm 10 phút đi bộ từ nhà đến bến tàu, xe được coi là chấp nhận được.
Một kênh tìm nhà ở hiệu quả nữa là qua forum của hội sinh viên Việt Nam tại Úc. Tuy nhiên, các bạn nên lưu ý điều này thường đồng nghĩa với việc bạn sẽ ở nhà người Việt, sinh hoạt cùng Việt kiều tại Australia hoặc du học sinh Việt Nam ở đây.
Nhiều khi, bạn sẽ ‘tình cờ’ rơi vào cả một cộng đồng người Việt trên đất Úc. Nhà ở tại các khu này thường có chất lượng kém hơn so với mặt bằng chung. Ngoài ra, cơ hội giao lưu văn hóa cùng người bản xứ và trau dồi vốn ngôn ngữ cũng sẽ bị nhiều hạn chế. Sẽ có lúc bạn băn khoăn tự hỏi, không biết mình đang ở trời Tây hay đang ở Việt Nam bởi sự khác biệt thật mong manh. Điều này theo quan điểm của cá nhân tôi không có lợi cho trải nghiệm du học.
Tiền nhà ở Úc thường tính theo tuần. Bạn có thể thương lượng đóng tiền hai tuần một lần hoặc bốn tuần một lần. Với giá trung bình khoảng 150 USD/tuần, bạn có thể thuê được một phòng riêng khá tươm tất đã tính kèm phụ phí điện, nước, ga và Internet.
Dĩ nhiên, nếu chấp nhận ở cùng phòng với người khác, bạn có thể tiết kiệm thêm chi phí. Không giống như nhà trọ ở Việt Nam thường ‘vườn không nhà trống’ khi mới dọn đến, nhà trọ ở Úc tạo cho bạn cảm giác ấm cúng và được chào đón vì tất cả đều đã ‘sẵn sàng’.
Phòng của bạn sẽ được trang bị các đồ đạc tối thiểu như bàn học, giường, tủ quần áo. Giường thường đi kèm chăn ga gối đệm chất lượng tốt. Vì thế, bản thân tôi cũng từng cố nhét cái chăn chiên vào vali hành lý theo lời mẹ dặn để đỡ tốn kém mua sắm sau này, nhưng khi sang đến nơi đành quyết định cho cái chăn ấy mãi mãi nằm trong vali.
Khu vực bếp dành cho mọi người trong nhà nấu nướng chung. Bếp sẽ đi kèm sẵn các đồ vật căn bản như tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng, bếp gas, chạn bát…Tùy số lượng người trong nhà mà mỗi người sẽ được chỉ định một ngăn riêng để thực phẩm dự trữ của mình trong tủ lạnh.
Theo kinh nghiệm ở homestay của bạn tôi, ở homestay chưa phải đã “chắc ăn”. Bạn tôi mới đầu ở cùng một góa phụ hiền lành với con mèo đen bầu bạn. Được khoảng chục ngày thì bà chủ nhà phải đi cấp cứu nằm viện điều trị. Đơn vị môi giới khi đó đành “cấp cứu” chuyển bạn sang ở với một gia đình khác.
Ở nhà người lạ, dù dễ chịu đến mấy vẫn không thoải mái bằng cái góc riêng của mình. Vậy nên, bạn tôi quyết định ra ở riêng.