Ngày nhận được thông báo tuyển dụng, tôi hăm hở đến cơ quan nhận chỗ ngồi, nhận văn phòng phẩm, nhận các loại giấy tờ văn bản phổ biến quy chế, hướng dẫn những điều cần thiết… Kèm theo một câu nói đầy ẩn ý của sếp, rằng: “Cháu phải nhớ đây là cơ quan, tổ chức. Sống phải biết trên biết dưới”. Và tôi đã cố gắng hết sức cho công việc của mình, ngày đêm im lặng nhận mọi nhiệm vụ được phân công. Nhận cả phần của các chị em phụ nữ khác với đủ thứ lý do họ đem ra để “đày đọa” tôi, nào là có thai, nào là nhà có việc, nào là con nhỏ đêm quấy khóc nên ban ngày mệt quá…
Nhưng tôi chưa có tháng nào được xếp loại A. Tôi không hiểu vì sao, không biết mình sai ở điểm gì. Khi tôi chất vấn trưởng phòng, bà ấy nhìn tôi bằng cái nhìn khinh khỉnh: “Không biết thì tự suy nghĩ đi, cái kiểu người chỉ muốn ăn trên ngồi chốc như cô, coi thường tất cả mọi người thì tôi chịu, không góp ý được gì”. Tôi nghe mà nghẹn đắng. Tôi không hiểu bà ấy nói tôi “coi thường” là sao, tôi đâu có làm gì sai?
Qua một năm đầu thử việc, tôi được các anh chị em trong phòng bỏ phiếu kết quả tốt, đủ điều kiện để ký hợp đồng chính thức. Nhưng biên bản họp phòng đã trình lên giám đốc mà cả tháng trời không thấy ông ấy đả động gì. Tôi bắt đầu lo lắng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Không biết mình có được ký hợp đồng chính thức hay không. Cả năm qua, tôi sống chật vật bằng đồng lương thử việc, giờ tôi đang rất mong được ký hợp đồng chính thức để cải thiện cuộc sống của mình. Tôi cứ hình dung ra cảnh được xét hợp đồng lao động chính thức mà rơi nước mắt! Nhất định tôi sẽ mua món quà nhỏ nhỏ, gửi về quê cho bố mẹ.
Vậy mà một tháng, rồi hai tháng, rồi ba tháng, mãi không thấy “bề trên” đả động gì đến việc có xét cho tôi vào chính thức hay không. Sốt ruột quá, tôi đánh bạo, mở cửa phòng cô phó giám đốc phụ trách nhân sự, hỏi xem: “Vì sao cháu chưa được xét hợp đồng lao động chính thức”. Cô ấy lạnh lùng: “Tôi chỉ biết làm theo chỉ đạo”. Hoang mang quá, tôi lại gõ cửa phòng phó giám đốc phụ trách chuyên môn, lại nhận được câu trả lời: “Giám đốc chưa đề cập gì”. Chán nản, tôi về phòng làm việc, cố gắng nhớ lại xem mình đã sai ở đâu, có lỗi gì, đắc tội với ai, nhưng không thể tìm được câu trả lời.
Sau hôm tôi gõ cửa phòng cả hai phó giám đốc để hỏi lý do, thì buổi họp giao ban cuối tuần hôm ấy là một trận cuồng phong thịnh nộ đổ lên đầu tôi. Tất cả hồ sơ chuyên môn của tôi nhận được lệnh: thanh tra đột xuất. Tôi rất bình tĩnh, vì tôi khá cẩn thận trong công việc, thường xuyên ở lại rất muộn để hoàn thành cho xong phần công việc của mình, nên tôi không mắc lỗi nào. Nhưng sếp vô lý đến nỗi mắng chửi tôi là đồ chậm chạp, là đồ dở hơi, cả cơ quan chỉ ra về vào lúc 5h, riêng mình tôi phải gần 7h mới “bò” xong. Sếp bảo, như thế tuy tôi không vi phạm quy định gì nhưng chất lượng công việc không thể tốt như những người về sớm?!
Chưa kể, sếp nghe thấy các anh chị em đồng nghiệp phản ánh là lúc nào lên facebook cũng thấy đèn ở tên của tôi báo sáng, tức là tôi đang có mặt trên facebook. Tôi cố gắng giải thích là tôi có tắt facebook trong giờ làm việc rồi nhưng vì điện thoại vẫn kết nối mạng nên có sáng đèn. Tôi hứa sẽ đăng xuất ra khỏi facebook hoàn toàn, không để hiện tượng như mọi người phản ánh nữa. Nhưng sếp vẫn chưa tha, ông ấy yêu cầu xếp loại cuối năm phải ghi rõ tôi “không hoàn thành nhiệm vụ” và kéo dài thời gian thử việc của tôi thêm năm nữa.
Tôi đứng như trời trồng khi nghe sếp nói. Tôi không hiểu được! Cứ cho là tôi mắc lỗi, thì lỗi của tôi tại sao lại bị phóng đại lên đến mức khủng khiếp như vậy được. Tôi định xin có ý kiến thì sếp quát tôi “Im đi”. Rồi như thể nhớ ra, nhân tiện, ông ấy mắng luôn: “Đã thế cô lại còn dám đi hỏi hai phó giám đốc về chuyện hợp đồng, cô oai quá, ghê quá, coi thường tôi quá”.
Đến lúc này thì tôi sốc thật! Tại sao một việc tôi chưa hiểu, tôi xin gặp cấp trên để hỏi cho rõ ràng lại bị mắng là “oai”, là “ghê”? Tôi thấy biết bao nhiêu người xung quanh vẫn làm việc với rất nhiều lần mắc lỗi, có ai bị mắng mỏ, lạnh nhạt như tôi đâu. Có ai bị xếp loại B liên tục các tháng như tôi đâu. Tôi vừa muốn khóc vừa như uất nghẹn không khóc được.
Thêm một năm thử việc ở cơ quan này, tôi mới hiểu ra chìa khóa của vấn đề. Tôi đã không hề biết rằng, những người mới đến làm việc ở cơ quan này, dù thi thố đàng hoàng, “tranh cử” thót tim, thì sau khi được tuyển dụng, cũng vẫn phải có quà “chào hỏi” cho giám đốc. Chỉ là vì tôi đã thiếu một “thủ tục” quan trọng, bắt buộc, nên hai năm nay tôi vẫn phải sống lay lắt bằng đồng lương thử việc. Hóa ra là thế. Thảo nào em nhân viên mới vừa đến ba tháng, ăn mặc như đi trình diễn thời trang, công việc sổ sách, tiền nong thì tuần nào cũng thấy nhầm lẫn, mà đã vào chính thức. Thảo nào chị kế toán, lần nào gọi tôi đến ký nhận tiền lương cũng tặc lưỡi, chép miệng, bảo tôi “xem thế nào đi”, để còn vào chính thức mà nhận chuyển khoản từ công ty, mà sống cho thoải mái. Tôi mãi không hiểu được cái câu “xem thế nào đi” của chị. Thấy tôi ngờ nghệch quá, có lúc chị còn cốc đầu tôi, bảo: “Cô cứ tồ mãi như thế thì bao giờ mới lớn”? Thế mà tôi vẫn chưa hiểu gì, cứ cười hì hì, tưởng chị nhắc chuyện chồng con nên tôi lại bảo: “Em chưa có người yêu”.
Khi đã hiểu ra, bỗng nhiên, tôi bật cười! Tôi cười, cho cái cơ quan “nửa mùa”, muốn thi tuyển khắt khe để chọn ra người giỏi nhưng lại chèn ép người ta đủ kiểu mong kiếm chác. Tôi quyết định rút lui, cuối năm ấy thi đỗ vào một tập đoàn đa quốc gia và làm việc ở đó đến giờ. Lâu lâu, tôi vẫn gặp chị kế toán công ty cũ, người đã từng cốc đầu, chê tôi “tồ”. Chị hỏi thăm tôi về công việc mới, đặc biệt là quan tâm xem sếp có xử nhân viên bằng “luật phong bì” không, tôi thành thật bảo không, chị bảo mừng cho tôi, vì bên cơ quan cũ bây giờ gần như loạn rồi. Mấy đứa nhân viên kém cỏi thi nhau “làm thủ tục” cho giám đốc nên ông ấy bổ nhiệm bừa bãi hết…
Liên
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.