“Bình đẳng với chồng” – một “ca khó” của phụ nữ Việt!

Ngày chưa lấy chồng, mẹ bảo tôi rằng cần phải hướng tới sự bình đẳng. Ở đó, phụ nữ có quyền làm việc như đàn ông, và (tất nhiên) hưởng thụ cũng như đàn ông vậy. Nghĩa là có không chuyện chồng khinh rẻ vợ vì vợ có/ không làm ra tiền. Không có chuyện người phụ nữ làm gì cũng cần hỏi ý kiến chồng và đợi chồng đồng ý. Ở đó, gia đình bên nội cũng được tôn trọng y như gia đình bên ngoại.

Nhưng chính ở nhà tôi, tôi đã nhìn mẹ mình bằng cái nhìn dành cho một siêu nhân. Mẹ đi làm như bố, kiếm tiền ngang với bố (có thể còn nhiều hơn), nhưng mọi việc trong nhà, từ cọ toalet đến phơi quần áo, từ dạy chúng tôi học bài đến việc dậy đúng vào 5h sáng để chuẩn bị ngày mới cho cả gia đình, mẹ tôi đều đảm nhiệm hoàn toàn. Bố không bao giờ làm việc nhà. Cuối giờ làm của bố là bia bọt, thể thao và… giao lưu! Mọi việc trong nhà, bố đều có thể hạnh họe và bắt bẻ! Khi bắt đầu biết nhận thức, tôi hỏi mẹ tôi xem, có cần phải cố gắng thế không. Mẹ bảo, không làm thế thì không lẽ ở nhà và đợi bố tôi đưa tiền? Tôi nghi ngại rằng tôi cũng không hề cảm thấy mẹ được tự do trong cái cách mà mẹ đang “bình đẳng”. Mẹ thở dài, luôn “chống chế” với tôi theo kiểu “biết làm sao được!”

Tôi quan sát những gia đình xung quanh, đa số các bà vợ đều kêu ca về chuyện chồng và vợ đều đi làm như nhau nhưng ti tỉ việc trong nhà đều do vợ làm. Vậy nên đã có lúc tôi tưởng như một ông chồng biết nấu ăn, bếp núc sẽ làm vợ họ vui. Nhưng không, còn gì khủng khiếp hơn việc ta phải sống với “bà mẹ chồng” thứ hai. Khi mà ta rửa rau, người ấy không tin, đem ra rửa lại. Khi mà ta nấu ăn, người ấy ngồi chê bai công thức. Khi mà ta lau nhà, người ấy bảo: “tránh ra”, rồi người ấy lau nhà sạch bóng, kể từ đó trở đi ta phải lấy “bà mẹ chồng thứ hai” ấy làm gương? Nghĩ đến mà toát  mồ hôi hột! Có hôm, cô giáo cũ của tôi share bài viết lên facebook cá nhân, là câu chuyện về ông chồng nào đó kiếm mỗi tháng nghìn đô, vẫn đeo tạp dề, rửa bát nấu ăn. Tôi vào bình luận rằng: “cô ơi, em sợ nhất mẫu đàn ông mặc váy. Cơm nước nồi niêu em lo được hết, chứ anh ấy nhúng vào, em không còn giá trị nào à?”…

Cuối cùng thì sao? Có cần phải biết nấu ăn không? Bình đẳng là gì?

Thật ra, tôi nghĩ, bình đẳng là khi người ta trao cơ hội cho cả nam và nữ như nhau. Nếu phụ nữ muốn, có thể lên vũ trụ. Nhưng ngược lại, nếu họ quen với “dưa hành thịt mỡ” trong bếp thì cũng được! Không có chuyện bắt tất cả phụ nữ ở nhà, cấm họ không được quyền “ho he”, nhưng cũng không có chuyện buộc tất cả phụ nữ đi làm tám tiếng như nam giới. Công việc ngoài xã hội đôi khi là một cái “bàn thờ” mà phụ nữ “trèo” lên ấy ngồi rồi thì không dám “xuống”. Tôi đã nghe những người bạn của tôi nói rằng họ không dám nghỉ việc ở nhà vì đã quen với cảm giác mình cũng sáng đi tối về, có công có việc như ai. Đã mất công bố mẹ cho ăn học, giờ đột ngột ở nhà… Tôi cho là, thành kiến xã hội còn “căng” đến mức không tôn trọng phụ nữ khi họ ở nhà nuôi con, thì sao có thể gọi là bình đẳng?

Tôi đã từng làm một người bạn của tôi mất lòng. Khi chị cứ nhất định không muốn ở nhà chăm con dù tiền kiếm được cũng chỉ bằng tiền đi thuê người trông trẻ. Tôi bảo chị mù quáng – đi thuê người về làm mẹ rồi để mẹ lại đi làm thuê. Trong cuộc nói chuyện ấy tôi dùng từ “ngu”. Chị giận tôi lâu, tự ái tôi nhiều! Còn tôi thì chả thấy mình nói có gì sai cả. Chị cứ đòi bình đẳng với ai chứ chưa hề bình đẳng với mình!

Bình đẳng với mình! Nghĩa là hãy lắng nghe xem mình muốn điều gì, điều gì có thể khiến mình vui: Bánh nướng hay là bánh xe vũ trụ? Hãy đối xử theo cách mình mong đợi chứ không phải theo đời mong đợi, hay những lý luận nào mong đợi.

Bình đẳng với mình, là cứ thản nhiên may vá thêu thùa, nấu ăn cài tóc, làm nơ hoa. Nếu chồng không thích thế, tốt nhất hãy đổi chồng thay vì đổi cái điều mà mình thực sự muốn làm!

Bình đẳng với mình là biết điểm dừng. Để về nhà nấu cơm, để bình an với bình cà vại dưa mà không bận tâm đến chuyện xã hội đang gọi ta là gì. Là thản nhiên chờ người đàn ông yêu ta đủ để yêu cả những gì ta có thể làm cho cái sự bình đẳng, bình an và thản nhiên của mình.

Tôi sợ nhất những người luôn tự “tạo hình”. Nghĩa là chạy theo cái cách mà xã hội hô hào. Nào là đảm đang, nào là kiên cường, nào là thế này lại còn thế nọ, đã khá kiểu này lại giỏi kiểu kia! Tôi sợ lắm! Kiểu phụ nữ “tượng đài” luôn khiến cho chính mình và những người xung quanh mệt mỏi vô cùng. Không ít những bà mẹ chồng vừa cố gắng làm một người cán bộ cần mẫn 8 giờ, lại cặm cụi vá víu và nấu nướng đến ngứa cả mắt với con dâu khi nó được chồng yêu! Không hiếm kiểu phụ nữ cả đời chỉ dám nhìn mấy cô ca sĩ mà xuýt xoa nhưng không dám may cho mình cái váy, rồi ghét lây cả những người “dám mặc đẹp” hơn mình. Rồi cũng chẳng ít người gồng lên quá sức, kiểu công ty cũng giỏi, việc nhà cũng ngoan, kiểu vừa lòng sếp lại hài lòng chồng, nên sinh ra quạnh quẽ, và ngơ ngác, không đủ bình an khi đối diện với mình.

Cũng không hiếm những người cố gắng lừa gạt chính mình để tạo ra cảm giác “mọi người nhìn mình đều rất tốt”. Chỉ có chính mình nhìn mình là không được an lành! Bất bình đẳng với chính mình như thế, ta còn đòi bình đẳng với ai?

Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.