Bố mẹ dại dột tự nhỏ mũi, hút mũi cho trẻ

Bố mẹ dại dột tự nhỏ mũi, hút mũi cho trẻ
Vào thời điểm giao mùa hoặc thời tiết lạnh, trẻ rất dễ bị ốm và cảm cúm. Khi bị như vậy mũi của trẻ sẽ có triệu chứng hắt hơi, nghẹt mũi khó chịu. Một số phụ huynh không biết và thậm chí làm ngơ chỉ nghe những lời truyền tai nhau và áp dụng cách vệ sinh mũi không giống ai.
Chị Tú (Hà Đông, Hà Nội) thương con bị nghẹt mũi vì cảm cúm cả đêm không ngủ được, tham khảo ý kiến nhiều người khuyên nhỏ nước tỏi vào mũi. Nghĩ bụng cách này khá mạo hiểm vì hương vị của tỏi nồng, khó chịu, thậm chí gây bỏng cho mũi. Thế nhưng chị Tú vì thương con mà vẫn làm theo. Nhỏ lần thứ nhất thấy con nhăn nhó, thậm chí sặc nhưng chị vẫn quyết nhỏ thêm lần nữa. Cho tới khi mũi của bé bị phù nề phải đưa tới bệnh viện, cả nhà chị tá hỏa đứng ngồi không yên.
Bố mẹ dại dột tự nhỏ mũi, hút mũi cho trẻ
“Thật không có cái dại nào bằng cái dại nào. Từ nhỏ tôi cũng chưa biết được cách chữa trị này lại nguy hiểm thế. Nào đâu có biết nguy hiểm, nghe một đồn mười, mười đồn trăm là làm cho con dễ chịu. Chứ ai ngờ con bị ảnh hưởng niêm mac mũi thế này”, chị Tú nói.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Thúy Lan (Chuyên khoa Nhi) cho hay, trên thực tế, tỏi vừa là thực phẩm nhưng cũng là loại thuốc quý. Với tính chất cay nóng, tỏi có thể giúp chữa bệnh cảm cúm hay cảm lạnh. Tuy nhiên, nồng độ của tỏi cũng có thể gây ảnh hưởng lên bề mặt niêm mạc da, đặc biệt với những làn da mỏng manh và nhạy cảm. Chất Alicin trong tỏi hữu ích cho việc điều trị cảm cúm.
“Nhưng nếu dùng nước tỏi để nhỏ vào mũi là điều nguy hiểm và phụ huynh tuyệt đối không làm. Bởi như nói ở trên, mức độ cay nồng của tỏi sẽ làm cho mũi của trẻ bị bỏng. Vùng niêm mạc mũi có mức độ da mỏng hơn nhiều nơi khác, với trẻ càng nhỏ tuổi thì niêm mạc này càng mỏng sẽ khiến cho tổn thương ngày càng nặng hơn. Khi đó, tỏi sẽ tác động lên niêm mạc dẫn đến loét, phù nề, đau rát càng làm cho trẻ khó chịu”, bác sĩ Lan cho hay.
Khi các vùng niêm mạc đã bị ảnh hưởng, rát đau sẽ dẫn đến viêm nhiễm. Quá trình này nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời đặc biệt là các tổn thương sâu bên trong sẽ càng dễ dẫn đến hoại tử. Khi bị tổn thương như vậy, trẻ sẽ phải thở bằng mũi do đường mũi không thể hoạt động bình thường. Lúc đó, đường miệng không làm ẩm không khí dễ gây viêm họng và viêm mũi.

Hút mũi bằng miệng, xông mũi đều hại

Cũng theo bác sĩ Lan, một số phụ huynh lại có cách hút mũi cho trẻ bằng miệng. Cách làm này rất phản khoa học, bởi như vậy sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ở mũi. Nguyên nhân là do trong miệng của người lớn có thể có cả vi khuẩn, virus mà mắt thường không nhìn thấy. Khi hút như vậy, miệng tiếp xúc với mũi sẽ khiến cho những loại vi khuẩn này theo đường mũi đi sâu vào đường hô hấp và có thể gây bệnh. 
Ngoài ra, việc phụ huynh tự rửa mũi tại nhà mà không hề tham khảo ý kiến bác sĩ cũng rất nguy hiểm. Rửa mũi giúp mũi sạch sẽ, vệ sinh nhưng quá trình đó có thể khiến trẻ bị sặc do uống phải lượng nước đưa vào mũi. Thậm chí, có thể ảnh hưởng sâu đến vùng mũi, họng hay tràn vào màng phổi. 
Về vấn đề xông mũi cho trẻ em, nếu đứa trẻ bình thường, không ốm đau thì tuyệt đối không xông mũi. Và việc xông mũi phải do bác sĩ chỉ định và thực hiện tại bệnh viện chứ không được tự ý làm tại nhà.
Tất cả các nước trên thế giới đều quy định xông tại bệnh viện, không có nước nào chỉ định xông tại nhà. Cho nên phụ huynh tuyệt đối không tự ý xông tại nhà.
Chỉ định xông là áp dụng cho các bệnh đường hô hấp dưới với một loại máy xông và bệnh hen phế quản và tiểu phế quản ở trẻ em có một loại máy xông khác. Tuy nhiên, chỉ xông khi bệnh nặng và được tiến hành như cấp cứu. Rõ ràng là bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu của bác sĩ, không nên tự tiện gây bệnh thêm cho trẻ.
Hà Linh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.