Bỏng bô là việc thường gặp với bất cứ ai bất cẩn, không chú ý. Ngoài ra, nguyên nhân bỏng bô cũng có thể do diện tích của nhà quá chật, dẫn đến đi lại vướng đến ống xả khi mới đi bên ngoài về. Nhiều trường hợp bóng bô xe máy gây ra vết thương nặng, nhiễm trùng và rất lâu mới trở lại bình thường.
Chị Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội) vội vàng ra mở cổng cho khách thì bị va chân vào ống bô xe máy mới đi làm về của chồng. Hàng ngày chị rất cẩn thận để ý đến ống bô nhưng do vội vàng nên chị bị bỏng khá sâu. Ban đầu vết thương đỏ ửng, rồi sưng tấy, sau đó tiếp tục bị mưng mủ gây khó chịu.
“Vết thương được rửa sạch nhưng vẫn gây khó chịu cho tôi. Mấy ngày sau khi bị bỏng, tôi thấy có mủ trắng, đau và ngứa phải kiêng nước gần 1 tuần rất bất tiện”, chị Thúy nói.
Còn Đức Nam (Mỹ Đình, Hà Nội) bị bỏng bô đã 2 tuần nhưng đến nay vết thương vẫn rỉ nước và có mủ. Theo lời Đức Nam, mặc dù đã rửa ôxy già nhưng nghe lời một người bạn mách cách chữa đắp lá nên vết thương không những không đỡ mà còn loang rộng ra nặng hơn.
“Khi vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng tôi mới đi khám bác sĩ. Được bác sĩ cho thuốc bôi kèm theo thuốc kháng sinh nên bây giờ mới đỡ hơn”, anh Đức Nam nói.
Làm gì khi bị bỏng bô?
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đức Kha (Chuyên khoa thẩm mỹ) cho biết, khi bị bỏng bô cần phải tìm cách lấy nước sạch để làm nguội vết thương. Việc làm này cần được tiến hành nhanh, khẩn trương sau khi bị bỏng. Bởi cách làm như vậy sẽ giúp vết thương không ăn sâu và sẽ ít loang ra khu vực rộng hơn.
“Bạn có thể ngâm vùng bị bỏng trong nước lạnh hoặc chạy vào nơi bán nước đóng chai mua chai nước để dội lên vết thương. Nếu quá khẩn cấp có thể chạy vào hiệu thuốc mua lọ xịt bỏng làm mát vùng da bỏng. Nếu bạn phải dội nước gấp bằng nước kém sạch cần phải rửa lại ngay bằng các dung dịch diệt khuẩn tránh nhiễm trùng”, bác sĩ nói.
Bạn cũng cần phải băng vết thương bằng loại gạc y tế mỗi khi ra ngoài. Làm như vậy giúp cho các vi khuẩn, bụi bặm không bám được vào vết thương gây nhiễm trùng.
Việc đầu tiên là phải sát khuẩn bằng bông tẩm nước muối sinh lý lau nhẹ vùng da phồng, rồi dùng băng vô khuẩn băng nhẹ để giữ da nơi phồng không bị trợt loét, vì nếu loét vi khuẩn sẽ xâm nhập và gây nhiễm khuẩn. Nếu bỏng nông (độ 1), diện bỏng nhỏ nốt phồng sẽ tự xẹp và khỏi sau vài ngày và không để lại sẹo.
Bạn phải chú ý vệ sinh vết thường hàng ngày bằng cách dùng Nacl 0,9%. Đây là dung dịch an toàn, hữu ích trong việc sát khuẩn tất cả vết thương từ nặng đến nhẹ. Bạn chú ý không dùng oxy già. Bởi oxy già có thể ảnh hưởng lớp da bên ngoài và gây ra vết sẹo xấu, lồi gây mất thẩm mỹ.
Sau khi bị bỏng bô, bạn nên mặc quần rộng, váy để tránh vết thương cọ xát gây nhiễm trùng hay đau đớn. Thêm vào đó, không làm vỡ bóng nước trên vết bỏng sẽ làm cho vết thương nhiễm trùng. Nhiều người thường tự chữa bằng phương pháp dân gian hay truyền tai, cách làm này đôi khi không phát huy hiệu quả thậm chí khiến vết bỏng càng ngày càng nặng hơn. Cách tốt nhất bạn cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định chính xác nhất.
Nỗi sợ lớn nhất của người bị bỏng bô là vết sẹo gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi mặc quần, váy ngắn. Do đó, bạn phải chú ý điều trị đúng phác đồ, càng sớm càng tốt. Bởi nếu điều trị sớm sẽ ít sẹo, mức độ sẹo không dày làm cho vết sẹo không xấu. Một số người truyền tai bôi bột nghệ tươi sẽ giúp vết sẹo nhỏ, không bi thâm. Nhưng điều này phải có tư vấn của bác sĩ, do nhiều người sau bị bôi nghệ tươi khiến vết sẹo có vết bóng càng ảnh hưởng đến vẻ đẹp của đôi chân.
Để vết thương khỏi hẳn, tránh bị ứ dịch gây đau đớn. Người bị bỏng bô phải chú ý không gãi mạnh hay gỡ lớp bên ngoài vết thương khi cảm thấy ngứa. Lớp sừng đó giúp cho vết thương khô và khỏi nhanh. Nếu gỡ quá sớm rất dễ bị nhiễm trùng.
Thùy Linh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.