Các nhà khoa học đã đưa ra lời giải cho hiện tượng bóng bay phát nổ gây bỏng hàng loạt…
Vừa qua, dư luận đang xôn xao về vụ việc rất nhiều nạn nhân bị bỏng vì một nguyên nhân không mấy ai nghĩ tới – đó là… bóng bay phát nổ. Nghe tưởng chừng như đùa nhưng đây lại hoàn toàn là sự thật.
Những chùm bóng bay vô hại nhưng trong điều kiện đặc biệt lại đột nhiên phát nổ. Tiếng nổ của bóng bay to như tiếng nổ gas, gây bỏng cho nạn nhân ở những vùng hiểm như đầu, cổ, tay… Vậy điều gì đã khiến cho những quả bóng bay sắc màu lại gây bỏng, hãy cùng đi tìm câu trả lời đằng sau hiện tượng kỳ lạ này qua bài viết dưới đây.
Từ những vụ tai nạn hy hữu đáng lưu tâm…
Theo báo chí đưa tin, vào tối ngày 16/1/2013, gia đình anh P.M.Đ (40 tuổi) tại Long Biên, Hà Nội sau khi đi ăn cưới đã mang chùm bóng bay khoảng 30 quả về để các con chơi.
Khi tới nhà, một người cháu của anh Đ. đã xin bóng để chơi. Vì vậy, anh Đ. dùng bật lửa đốt dây buộc bóng để chia bóng cho các cháu. Sau khi quả bóng đầu tiên được lấy ra an toàn thì đột nhiên quả bóng thứ hai phát nổ, kéo theo cả chùm hơn 30 quả bóng bay nổ cùng lúc, gây ra âm thanh cực lớn đến mức người nhà anh tưởng là nổ bình gas trong bếp.
Hậu quả là anh Đ. và 4 em nhỏ đứng gần chùm bóng đều bị bỏng. Áo khoác của con anh bị sức nổ làm cho bật tung, bông trong áo bay ra tứ tung còn những người khác bị lửa chờm khắp đầu, mặt, hai tay và quần áo.
Sáng ngày 17/1, ba nạn nhân khi chụp ảnh cưới với bóng bay đã phải nhập viện vì bị bỏng. Theo lời kể của nạn nhân, trong lúc 2 nhân viên chụp ảnh cưới hướng dẫn cô dâu tạo dáng với chùm bóng bay thì cả chùm bóng bỗng phát nổ. Kết quả là 2 nhân viên bị bỏng khá nặng, trong khi cô dâu bị thương nhẹ ở mặt.
… tới lý giải khoa học về hiện tượng nổ kỳ lạ…
Cả hai vụ việc trên làm dấy lên những làn sóng lo ngại, hoang mang về việc tại sao những chùm bóng bay vô hại lại phát nổ và gây thương tích lớn tới vậy.
Hãy bắt đầu việc truy tìm nguyên nhân gây nên hiện tượng bóng bay phát nổ bằng cách lật lại lịch sử thảm họa khinh khí cầu Hindenburg nổi tiếng thế giới 77 năm về trước. Khi đó, quả bóng bay khổng lồ – biểu tượng của đế chế Đức Quốc xã dưới thời Adolf Hitler đã bốc cháy trên không trung và phát nổ ngay trước khi hạ cánh xuống mặt đất.
Hình ảnh thảm họa lịch sử khinh khí cầu Hindenburg bốc cháy
Hiện nay, nguyên nhân của thảm kịch này chưa được khẳng định chắc chắn, nhưng giả thuyết được phần lớn mọi người thừa nhận đó là do rò rỉ khí hydro trên khinh khí cầu. Theo đó, hydro là khí nhẹ nên được dùng làm nhiên liệu hoạt động của khinh khí cầu. Song vì rò rỉ nên chúng thoát ra ngoài, phản ứng với oxy dưới xúc tác nhiệt độ hoặc điện từ mây giông.
Phản ứng này theo tỷ lệ số mol hydro và oxy là 2:1 sẽ gây nổ. Ở điều kiện phòng (áp suất 1atm và khoảng 27,3 độ C), phản ứng này làm áp suất khí sau phản ứng tăng gấp gần 3,5 lần. Đó là lý do mà sức công phá của những vụ nổ khí hydro là cực lớn.
Trở lại với hai vụ việc vừa qua, điểm chung của chùm bóng bay với khinh khí cầu Hindenburg là chúng cùng được bơm khí hydro. Bóng bay bơm hydro nhẹ hơn không khí nên dễ dàng bay lên, không giống như bóng bay thổi bóng CO2 chỉ có thể nằm dưới đất.
Khi có tác dụng của lửa, dù là nhỏ như bật lửa, tàn thuốc, bóng bay giãn nở quá mức, áp suất khí bên trong tăng làm nổ bóng bay. Khi bóng nổ, hydro có thể tác dụng với oxy sẽ gây nổ như miêu tả ở trên. Sức công phá khi một quả bóng phát nổ có thể không lớn, nhưng khi cả chùm cùng nổ một lúc, hậu quả sẽ thật khôn lường.
Theo trung tá Lê Phi Hùng, Cán bộ Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Công an thành phố Hà Nội), hiện tượng nổ tương tự cũng có thể xảy ra với bóng bay được bơm khí acetylene, hoặc để bóng bay bơm hydro ngoài trời nắng, gần nguồn nhiệt như đèn dây tóc trong nhà…
Tạm kết: Tết Nguyên Đán sắp đến, tất cả chúng ta cần hết sức cẩn thận với những tai nạn đáng tiếc như trên. Hãy cân nhắc khi lựa chọn những chùm bóng bay sặc sỡ cho trẻ em chơi và trang bị cho người thân những kiến thức an toàn cần thiết đối với loại đồ chơi thông dụng này.