Các nhà thiên văn học thế giới đang đau đầu tìm cách lý giải về sự mất tích bí ẩn của đám bụi vũ trụ khổng lồ bao quanh một ngôi sao mà họ đã theo dõi suốt 25 năm qua.
>>>Phát hiện về những cụm bụi vũ trụ bên trong thiên hà Milky Way
Hình mô phỏng vành đai bụi vũ trụ dày đặc bao quanh quỹ đạo ngôi sao TYC 8241 2652.
Theo tờ Daily Mail, các nhà thiên văn học đã không ngừng quan sát ngôi sao có tên hiệu TYC 8241 2652 , nằm cách Trái đất của chúng ta 450 năm ánh sáng (tương đương khoảng 4,2 triệu tỷ km) suốt ¼ thế kỷ. Bao quanh ngôi sao này là một đám bụi vũ trụ khổng lồ, có kích thước lên tới hàng triệu km.
Các nhà thiên văn học nhận thấy, vành đai bụi vũ trụ lấp lánh quanh ngôi sao đã bắt đầu mờ dần từ khoảng 2 năm rưỡi nay. Cho đến hiện tại, các hình ảnh chụp từ kính viễn vọng xác nhận đám bụi vũ trụ này gần như biến mất hoàn toàn.
Ảnh mô phỏng tình trạng hiện thời: vành đai bụi đã biến mất trong
khi các thiên thạch và hành tinh bao quanh ngôi sao vẫn còn đó.
Ben Zuckerman – nhà thiên văn học đứng đầu cuộc nghiên cứu về ngôi sao TYC 8241 2652, đến từ trường Đại học California (Mỹ) – cho hay: “Việc rất nhiều bụi vũ trụ di chuyển theo quỹ đạo sát kề một ngôi sao trẻ hàm chỉ rằng, các hành tinh có đất và đá tương tự như các hành tinh giống Trái đất trong hệ Mặt trời của chúng ta đang trong quá trình hình thành quanh ngôi sao này.
Chúng tôi thực sự không biết cụ thể đám bụi vũ trụ (bao quanh ngôi sao TYC 8241 2652) sinh ra từ đâu và chắc chắn không rõ nguyên nhân gì khiến nó biến mất nhanh chóng đến như vậy”.
Ngôi sao TYC 8241 2652 mới chỉ 10 triệu năm tuổi, trong khi Mặt trời của chúng ta đã 4,6 tỷ năm tuổi.
Carl Melis, một đồng tác giả nghiên cứu, nhận định vành đai bụi vũ trụ bao quanh ngôi sao trẻ này có thể đã mất tích theo 2 cách: Các hạt bụi vũ trụ có thể đã bị lực hấp dẫn của ngôi sao hút vào trong hoặc chúng bị trôi nổi ra ngoài không gian.
Theo Vietnamnet, Dailymail