Bún thang ngon mà dễ làm
Với gần 20 loại nguyên liệu, bún thang có lẽ là món bún cầu kỳ nhất ở Việt Nam. Giống như người Hà Nội, món bún này là tổng hòa của sự tinh tế, tỉ mỉ, cẩn thẩn, hài hòa và đẹp mắt. Mỗi bát bún bê lên như một nghệ thuật trang trí đầy sắc màu với sắc trắng của bún, vàng của trứng, xanh của hành, nâu của nấm và nước dùng ngọt lừ từ gà, thơm thoảng mùi gừng, trong vắt bởi sá sùng và ngọt đậm đà của tôm khô.
Để có bát bún thang ngon, không phải là quá khó, mọi thứ bạn cần chỉ là chút thời gian và sự tỉ mỉ, chăm chút, khéo tay của người phụ nữ.
Nguyên liệu:
– Gà ta: 1/2 con, rửa sạch.
– Trứng gà: 02 quả.
– Giò lụa: 100g.
– Xương ống lợn: 500g. Cho xương với ít nước rồi đun sôi để trần cho sạch.
– Tôm khô: 100g, rửa sạch để ráo.
– Tôm sú: 200g, rửa sạch, bóc vỏ.
– Bún sợi: 1,5kg.
– Sá sùng: 3, 4 con (nếu không có thì thay bằng râu mực khô), rửa sạch, để ráo.
– Mắm tôm, gia vị, nước mắm, giấm, đường phèn, đường cát.
– Hành lá, rau răm: rửa sạch, thái nhỏ.
– Hành khô, gừng: nướng sạm vỏ.
– Nấm hương, củ cải khô: ngâm cho nở mềm.
Cách làm:
– Bắc nồi lên bếp luộc gà cùng ít gia vị, hành khô, gừng nướng vào để cho thơm. Nước sôi thì hạ nhỏ lửa, đun tiếp trong 10 phút rồi tắt bếp, đậy vung để gà chín hơi.
– Vớt ra ra rổ, rửa nước lạnh. Rồi xé hoặc thái miếng nhỏ.
– Tôm khô, sá dùng cho vào chảo rang khô. Nếu không có sá sùng thì dùng râu mực, nướng râu mực cho thơm.
– Cho thêm nước vào nồi nước luộc gà, cho xương, tôm, sá sùng (hoặc râu mực), nấm hương, một ít đường phèn và ninh nhỏ lửa trong 1 tiếng cho ngọt nước. Nước dùng rất quan trọng trong món bún thang, nên bạn chú ý thỉnh thoảng vớt bọt nếu có, để giữ cho nước trong.
– Trứng gà tráng mỏng, để nguội rồi thái chỉ.
– Giò lụa thái chỉ.
– Nấm hương thái chỉ.
– Tôm sú hấp chín, giã nhỏ rồi sao chín vàng. Khi sao cho thêm ít dầu ăn và nước mắm để làm ruốc tôm đậm hơn.
– Củ cải bóp với dấm, đường 15 phút cho ngấm.
Khi ăn, xếp bún vào bát, rồi xếp lần lượt các nguyên liệu gọn gàng thành từng góc để bát bún có màu sắc đẹp mắt. Có thể cho thêm 1 ít mắm tôm cho đậm mùi nếu ai ăn được. Dưới nước dùng lên sau cùng. Ăn khi bún còn nóng.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với cách nấu bún thang này nhé!
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.