Bước đột phá trong điều trị tim nhanh gây đột tử ở trẻ nhỏ có cân nặng thấp

Bước đột phá trong điều trị tim nhanh gây đột tử ở trẻ nhỏ có cân nặng thấp
Bé Lưu Đình Đức K sinh ra và phát triển bình thường như những đứa trẻ khác ngoại trừ một u máu nhỏ ở trán trái. Đến khi 5 tháng tuổi, trẻ bắt đầu có những biểu hiện bất thường như thở nhanh, bú kém, hay quấy khóc, da tái và tụt cân nhanh, cùng với u máu ngày càng to lên. Gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám vì u máu. Tuy nhiên các bác sỹ còn phát hiện cháu còn bị bệnh cơ tim giãn và suy tim nặng (đường kính thất trái tâm trương 35mm, chức năng tâm thu thất trái 30%).
Bình thường xung điện tim dẫn truyền từ nhĩ xuống thất làm cho tâm thất co bóp đi qua một đường dẫn truyền bình thường duy nhất. Khi có đường phụ, xung điện tim đi tắt từ nhĩ xuống thất làm đảo lộn trật tự khử cực của cơ thất và gây cơ tâm thất co bóp bất đồng bộ. Quá trình này kéo dài có thể gây tâm thất trái giãn to và suy tim tiến triển nặng lên. Ngoài ra đường phụ có thể gây ra cơn tim nhanh trên thất, rung thất và đột tử.
Ngay sau khi chẩn đoán cháu đã được hội chẩn tim mạch để quyết định phương pháp điều trị. Các bác sỹ nhận định: Đây là một ca bệnh rất nguy kịch, trẻ có thể đột tử hoặc tử vong bất cứ khi nào nếu có cơn tim nhanh xuất hiện. Các phương án điều trị cũng được đưa ra bàn luận và cân nhắc một cách hết sức cẩn thận. Phương án điều trị nội khoa bằng các thuốc chống loạn nhịp như thường dùng hiện nay có hiệu quả hạn chế nhất là dự phòng nguy cơ đột tử, hơn nữa thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm rất khó tiên lượng. Phương án điều trị can thiệp triệt để bằng năng lượng sóng cao tần là phương pháp lựa chọn ưu tiên cho người lớn và trẻ lớn cũng được đưa ra cân nhắc. Tuy nhiên phương pháp này bị hạn chế đối với trẻ nhỏ dưới 15 kg do nguy cơ tai biến của thủ thuật và chỉ có thể được thực hiện tại rất ít trung tâm tim mạch trên thế giới.
Bước đột phá trong điều trị tim nhanh gây đột tử ở trẻ nhỏ có cân nặng thấp

 

Ngày 3/9 tại Trung tâm can thiệp tim mạch và điện sinh lý, kỹ thuật can thiệp điều trị được tiến hành với sự tham gia của các bác sỹ chuyên khoa rối loạn nhịp, tim mạch, gây mê hồi sức và chẩn đoán hình ảnh. Bệnh nhân được gây mê nội khí quản và thở máy, huyết áp xâm nhập và các dấu hiệu chức năng sống được theo dõi liên tục qua hệ thống theo dõi mornitor.
Ngay sau khi 3 catheter  điện cực được đưa vào trong buồng tim qua các đường tĩnh mạch, một cơn tim nhanh trên thất nguy kịch trên 200 lần/phút xuất hiện gây trụy mạch với huyết áp xâm nhập gần như bằng không. Cơn tim nhanh nhanh chóng được dập tắt bằng kích thích tim vượt tần số, đưa nhịp tim và huyết áp trở về bình thường.
Thăm dò điện sinh lý xác định đường phụ nối giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải qua vòng van ba lá là thủ phạm gây ra các rối loạn về nhịp và dẫn truyền ở bệnh nhân này. Một catheter đốt 5F đưa qua đường tĩnh mạch vào buồng tim và dò tìm vị trí đường phụ. Sau đó máy phát năng lượng dòng điện có tần số radio được kết nối với catheter đốt đã tạo ra một nhiệt lượng khoảng 600C tại đầu catheter nơi tiếp xúc với đường phụ và triệt bỏ hoạt động của nó, đưa hoạt động dẫn truyền trở về đường bình thường. Thủ thuật kéo dài trong khoảng 2 giờ và không có một bất kỳ tai biến nào xảy ra.
Sau đốt, toàn trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, các triệu chứng suy tim biến mất. Siêu âm tim lại sau 4 ngày, các chỉ số siêu âm gần như trở về bình thường, điện tim không còn hình ảnh của sóng điện tim bất thường.
Bệnh viện Nhi Trung ương, đơn vị đi đầu trong cả nước về can thiệp điều trị rối loạn tim nhanh ở trẻ em. Mặc dù kĩ thuật điều trị rối loạn tim nhanh bằng năng lượng sóng cao tần mới được triển khai tại bệnh viện từ năm 2012, cho đến nay hầu hết các rối loạn tim nhanh đều đã được thực hiện thường quy với số lượng bệnh nhi gia tăng theo từng năm, tỉ lệ thành công trong điều trị can thiệp trên 95%. Đặc biệt đối với can thiệp ở trẻ nhỏ dưới 15 kg với gần 30 trẻ được điều trị thành công và an toàn, Bệnh viện Nhi TƯ đang đứng đầu thế giới về can thiệp điều trị tim nhanh ở trẻ nhỏ.
PV

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.