Bước đột phá từ đất sét

Khu vực phía Bắc mưa bất chợt trong ngày, nhiệt độ không quá 28 độ C

Đề tài “Chuyển hóa vật liệu Zeolit từ khoáng sét thiên nhiên Việt Nam” của nhóm nghiên cứu Đại học Bách khoa, Hà Nội, đã làm nên một bước đột phá với sáu ứng dụng ban đầu, mở ra nhiều hướng đi mới cho phát triển kinh tế và cải tạo môi trường.

Zeolit là vật liệu vi mao quản, xốp nhẹ có dung lượng trao đổi ion lớn và có khả năng hấp phụ kỳ diệu. Zeolit có mặt trên thế giới từ những năm 60 của thế kỷ 20 nhưng chủ yếu được tổng hợp từ hóa chất tinh khiết. Cho nên mặc dù có chất lượng tốt nhưng giá thành của nó lại rất cao và khó ứng dụng rộng. Trong khi đó, Việt Nam lại phải nhập khẩu hoàn toàn vật liệu này đặc biệt trong ngành lọc hóa dầu. Lợi thế về nguồn nguyên liệu đất sét dồi dào trong nước chưa được tận dụng.

6 ứng dụng của vật liệu Zeolit chuyển hóa từ khoáng sét

1. Trong nuôi trồng thủy sản: Làm sạch hồ nuôi. Đã xây dựng hai nhà máy ở Quảng Bình và Cần Thơ.
2. Trong nông nghiệp: Cải tạo đất. Đã thử nghiệm trên vụ lúa hè-thu 2005 tại Thanh Hóa làm lợi khoảng 600.000 đồng/ha.
3. Trong chăn nuôi: Tăng sản lượng và chất lượng vật nuôi. Đang thử nghiệm quy mô chính quy.
4. Trong chế tạo nhiên liệu sạch: Tạo ra ethanol có nồng độ trên 99,5% từ cồn có nồng độ thấp.
5. Trong bảo vệ môi trường: Xử lý nước và không khí ô nhiễm.
6. Trong lọc – hóa dầu: Chất hấp phụ và chất xúc tác chuyển hóa hóa học.

Để tìm ra một gram vật liệu “đa năng” ấy, tiến sĩ Tạ Ngọc Đôn cùng với những người làm đề tài đã phải nghiên cứu tới hàng tấn đất sét trong 10 năm trời. Cuối cùng, công trình nghiên cứu chuyển hóa khoáng sét cao lanh Việt Nam thành Zeolit phục vụ nuôi trồng thủy sản đã thành công.

Vui mừng nhất có lẽ không phải nhóm nghiên cứu mà là bà con nông dân. Zeolit nhiều ứng dụng ra đời đã mở ra một lối đi cho ngành nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.

Đào tạo ngay trong nghiên cứu

Tiến sĩ Tạ Ngọc Đôn luôn tâm niệm nghiên cứu phải hướng tới đào tạo, nhất là với đề tài Zeolit. Vì nếu thành công Zeolit sẽ mang lại những lợi ích thiết thực và lâu dài đối với đời sống. Bởi vậy, ngay từ năm 1998, dưới sự chủ trì của nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Tạ Ngọc Đôn đứng đầu, đã có hàng trăm lượt cán bộ, sinh viên trực tiếp tham gia đề tài tổng hợp Zeolit từ khoáng sét thiên nhiên.

Sinh viên học chủ yếu trên các phòng thí nghiệm. Cơ sở lý thuyết của các nghiên cứu là bốn sáng chế, giải pháp hữu ích, 69 bài báo khoa học được công bố trong và ngoài nước thời gian qua. Trong thời gian đầu, chưa có một giáo trình chính thức và những điều kiện cần thiết của một môn học. Cả giảng viên, cả sinh viên phải mày mò nghiên cứu từng bước. Đến khi đề tài nghiên cứu thành công, những người thực hiện nó lại nhận thấy phải ngay lập tức chú trọng vào khâu đào tạo lớp kế cận bởi hướng nghiên cứu này có nhiều triển vọng và nó rất cần thiết đối với sự phát triển của đất nước.

Dưới sự hướng dẫn của các thầy, hai nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đã đoạt giải nhất cấp Bộ năm 2002-2003, giải nhất VIFOTEC sinh viên, huy chương vàng và giải thưởng WIPO 2003 cho đề tài này. Từ đây thương hiệu ZEOLLT Bách Khoa – trường phái Zeolit đi từ đất sét được biết đến nhiều hơn.

Thầy và trò khoa Hóa Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn đang miệt mài tìm ra những ứng dụng mới của Zeolit từ đất sét. TS. Tạ Ngọc Đôn đang ấp ủ ý tưởng tổng hợp vật liệu xốp mao quản lớn hơn vật liệu Zeolit và tổng hợp các vật liệu Nano-Zeolit.

 

Theo Giáo dục và thời đại, VnExpress