Cá Hoàng đế ở hồ Trị An: Nên mừng hay lo?

0
101

Hương Cát

Sau bài “Săn tìm loài cá lạ xâm lấn hồ Trị An”, đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau về cá Hoàng đế. Người thì cho rằng, đây là loài ngoại lai xâm lấn và cần tiêu diệt nhưng cũng có ý kiến, cá Hoàng đế là loài cá thịt rất ngon. Nếu chúng phát triển thì có lợi, chứ không có hại.

Cá Hoàng đế: Người lo sinh vật lạ xâm lấn…

Cá Hoàng đế (dưới) hay cá Vược Mỹ: Nhìn bên ngoài xem ra khó phân biệt (Ảnh: webiocosm.com và nas.er.usgs.gov)

Có 2 quan điểm trái ngược nhau về tên khoa học của một loài cá mới xuất hiện ở Hồ Trị An. Anh Phùng Mỹ Trung thì cho đó là cá Hoàng đế (Cichla ocellaris). Còn GS Mai Đình Yên, một chuyên gia ở ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội thì lại cho là cá Vược Mỹ (Micropterus salmoides).

Theo Thạc sĩ Vũ Vi An, Phòng Nguồn lợi và Khai thác thuỷ sản nội địa thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 2, căn cứ theo những hình ảnh mà anh Phùng Mỹ Trung đăng trong bài “Săn tìm loài cá lạ xâm lấn hồ Trị An” thật sự là cá Hoàng đế, chứ không phải cá Vược Mỹ.

Sau đây là 2 đặc điểm quan trọng để phân biệt giữa 2 loài cá này bằng mắt thường để có thể giúp cho bất kỳ ai cũng có thể phân biệt được 2 loài cá này. Đối với cá Hoàng đế (Cichla ocellaris) có một chấm đen rất rõ ràng ở mép trên của cuống vi đuôi, vi lưng chia 2 phần rất rõ rệt (phần có gai cứng và phần không có gai cứng), còn cá Vược Mỹ (Micropterus salmoides) không có chấm đen ở cuống vi đuôi, vi lưng có sự phân chia không rõ rệt.

Căn cứ theo những hình ảnh anh Phùng Mỹ Trung đăng trong bài “Săn tìm loài cá lạ xâm lấn hồ Trị An” và hai đặc điểm phân biệt nêu trên thì có thể kết luận loài cá lạ xuất hiện ở hồ Trị An là cá Hoàng đế, chứ không phải cá Vược Mỹ. Cá Hoàng đế là loài cá thường ăn những loài cá con (cá ăn thịt) vì thế cá Hoàng đế không được nuôi phổ biến.

Đây là loài cá sinh sản quanh năm, có sức sinh sản rất lớn (9–15 ngàn trứng/kg cá). Thời gian mà quần đàn cá Hoàng đế gấp đôi về số lượng là 15 tháng (cá Vược Mỹ là 4,5–14 năm). Do đó số lượng cá này sẽ tăng rất nhanh theo thời gian. Vì chúng có sức xâm lấn rất mạnh về cả thức ăn và môi trường sống cho nên các loài cá bản địa có thể sẽ giảm đi do không cạnh tranh lại với loài cá này về thức ăn và môi trường sống, làm cho môi trường sinh thái bị thay đổi.

Trước tình hình như trên, Nhà nước cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ các cơ sở bán cá Hoàng đế làm cá kiểng (nếu có). Thứ hai là phải thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về mối nguy hại của loài cá này để mọi người nhận biết. Thứ ba là khuyến khích những ngư dân bắt cá Hoàng đế càng nhiều càng tốt bằng cách mua cá Hoàng đế với giá cao hơn.

Cá La hán, một trong những loại cá cảnh đang được ưa chuộng nhưng cũng đang bị nhiều người là loại sinh vật ngoại lai xâm hại (Ảnh: H. Cát)

… Kẻ mừng vì là cá thịt, ăn ngon và không hại

Tuy nhiên, khi đề cập đến chuyện cá Hoàng đế, hiện đang phát triển mạnh, đe dọa phá vỡ cân bằng sinh thái và tiêu diệt các loài cá bản địa sống ở hồ Trị An – Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Lãng, Chủ tịch hội Cá cảnh TP.HCM, cho rằng “chẳng có vấn đề gì hết!”. Nếu con cá Hoàng đế phát triển được một cách mạnh mẽ ở hồ Trị An, cũng là… điều đáng mừng!

Ông Nguyễn Văn Lãng, Chủ tịch hội Cá cảnh TP.HCM: Cá Hoàng đế không gây hại cho đa dạng sinh học đối với các loài bản địa (Ảnh: H. Cát)

Theo ông Lãng, nguồn cá tự nhiên hiện nay rất hạn hẹp, muốn ăn thường phải nuôi. Còn con cá Hoàng đế, thịt rất ngon, tương tự thịt cá rô phi. Do đó, ngoài thiên nhiên nếu có một con cá nào tồn tại được, chẳng hạn như cá Hoàng đế, nó sinh sôi “tràn ngập” thì đó là một điều tốt bởi vì nó cũng là cá thịt, không có hại gì cho môi trường.

Được hỏi thêm, gần đây có thông tin cá La Hán, một loại cá vốn đang được dân chơi cá kiểng ưa thích hiện đang phát triển mạnh ở Việt Nam, có nguy cơ trở thành sinh vật ngoại lai xâm lấn. Ông Lãng cho biết, ông đã sang Thái Lan, Mã-lai, Singapore và thấy các nước này không cấm nuôi và cũng không cấm thả ra sông. Như vậy, không thế nói cá La Hán gây hại được vì nếu nó gây hại, hệ thống luật pháp các nước trên đã có biện pháp ngăn chặn.

Vẫn theo ông Nguyễn Văn Lãng, thực ra, cho đến nay, Bộ Thủy sản mới chỉ có một văn bản chính thức cấm nhập, cấm nuôi, cấm phổ biến con cá Piranhas. Thế nhưng, trong thực tế, những người đem cá lậu có hàng trăm hình thức, đặc biệt là đường biên giới từ Châu Đốc đến Tây Ninh để đưa cá lạ vào nước ta.

 

Theo Vietnamnet