Cá hút máu tàn sát sinh vật bản địa ở vùng hồ Mỹ

Cá hút máu tàn sát sinh vật bản địa ở vùng hồ Mỹ

Cá mút đá gây hại cho các loài cá bản xứ ở vùng Ngũ Hồ của Mỹ đến mức nhà chức trách phải dùng thuốc độc để tiêu diệt.

Ủy ban Ngư nghiệp vùng Ngũ Hồ, Mỹ tuần trước cho biết loài cá mút đá đang hồi phục và tiếp tục gây hại ở hồ Superior và Erie, buộc nhà chức trách phải tiếp tục áp dụng các biện pháp diệt trừ, Tech Times hôm 8/10 đưa tin.

Quần thể cá mút đá sụt giảm đáng kể ở nhiều hồ thuộc lưu vực Ngũ Hồ sau các mùa đông khắc nghiệt giai đoạn 2013-2015, nhưng số lượng của chúng đang tăng lên khi nước hồ trở nên ấm hơn và mồi săn dồi dào.

Cá mút đá ký sinh bám chặt miệng vào cơ thể vật chủ để hút máu. (Video: National Geographic).

Sự sinh sôi nảy nở của cá mút đá được xem như một trong những thảm họa tồi tệ nhất do con người gây ra ở vùng Ngũ Hồ. Chúng là loài xâm hại sinh sản mạnh trong nước hồ và tấn công nhiều loài cá khác. Trong số 180 loài không phải động vật bản xứ ở Ngũ Hồ, cá mút đá là loài duy nhất được đưa vào chương trình kiểm soát trên diện rộng bằng thuốc độc.

Cá mút đá có xuất xứ từ Đại Tây Dương, du nhập vào hồ Ontario vào giữa những năm 1800 và xâm nhập vào các hồ ở thượng nguồn năm 1921. Năm 1939, cá mút đá đã phân bố khắp lưu vực nhờ hệ thống kênh đào.

Cá mút đá bám chặt vào những loài khác nhờ chiếc miệng có giác hút cắm đầy răng và tạo ra một lỗ nhỏ xuyên qua vảy con mồi bằng chiếc lưỡi sắc bén. Do đó, chúng còn có biệt danh là “ma cà rồng ở hồ”.

Để kiểm soát cá mút đá, nhà chức trách sử dụng rào chắn, bẫy, tín hiệu báo động và thậm chí cả thuốc diệt cá. Thông qua phối hợp các biện pháp, chính quyền địa phương có thể xử lý sinh vật ở nhiều giai đoạn khác nhau khi chúng là ấu trùng, cá con hay cá trưởng thành.

Cá hút máu tàn sát sinh vật bản địa ở vùng hồ Mỹ
Cá mút đá là loài xâm thực gây hại nghiêm trọng ở Mỹ. (Ảnh: Wikipedia).

Trước khi nhà chức trách tích cực kiểm soát quần thể cá mút đá ở vùng Ngũ Hồ, chúng giết chết khoảng 47 triệu kg cá mỗi năm. Nhờ các biện pháp kiểm soát số lượng, số cá bị loài xâm hại này giết giảm xuống còn 4,5 triệu kg/năm.

Cá mút đá có hình dáng giống loài rắn, xuất hiện từ cách đây 200 triệu năm, trước cả loài khủng long và là động vật có xương sống lâu đời nhất thế giới. Điểm đặc biệt ở loài “hóa thạch sống” này là chúng có những chiếc răng sắc như dao cạo xếp thành vòng tròn thay vì mọc thành hàm.

 

Theo VnExpress