Vô số con cá mặt trời với hình dạng khác thường dạt liên tục vào những vùng ven Biển Bắc trong những ngày qua.
Người dân Anh thấy xác của những con cá mặt trời (Mola mola) trên các bờ biển tại hạt Lincolnshire, Kent và Norfolk, SWNS đưa tin.
Một con cá mặt trời mắc kẹt trên bờ biển thuộc hạt Norfolk. (Ảnh: SWNS)
Các chuyên gia hải dương tin rằng những cơn gió mạnh khiến các dòng hải lưu di chuyển từ Scotland vào bờ Biển Bắc và mang theo cá mặt trời. Sau khi dạt lên bờ cá mặt trời chết dần do chúng không thể chịu được nhiệt độ nước dưới 12 độ C.
Andy Horton, giám đốc Hiệp hội nghiên cứu hệ sinh thái hải dương Anh, khẳng định rằng cá mặt trời hiếm khi xuất hiện trong Biển Bắc. “Chúng phân bố chủ yếu ở vùng giữa Đại Tây Dương”, Horton nói.
Để cơ thể trôi tự do trong dòng nước là cách di chuyển của cá mặt trời. (Ảnh: Corbis)
Cơ thể cá mặt trời có dạng hình trái xoan hoặc gần tròn. Chúng không có một cái đầu thực sự. Tuy thân hình khá to nhưng miệng của chúng lại rất nhỏ. Thức ăn chính của cá mặt trời là sứa, động vật giáp xác nhỏ và sinh vật phù du. Con đực trưởng thành có chiều dài cơ thể trung bình 3,5m, trọng lượng trung bình 1,7 tấn và chiều dài sải vây 4,5m.
Do cơ thân ngắn nên cá mặt trời bơi yếu. Trong phần lớn thời gian chúng không bơi mà để cơ thể trôi theo các dòng nước. Vì thế, nhiều khi các dòng hải lưu đưa chúng từ vùng nhiệt đới sang tận vùng ôn đới. Chúng thường xuyên nổi lên mặt nước để nhận nhiệt từ ánh sáng mặt trời nên được gọi là “cá mặt trời”.
Theo VNE