Tạp chí Behavioral Ecology and Sociobiology mới đây cho biết, GS Jolyon Faria, Trường ĐH Leeds (Anh) cùng các đồng nghiệp tại Đức, Australia và Mỹ đã chế tạo ra những con cá robot (gọi là Robofish) để nghiên cứu quy luật hoạt động của cá. Họ thả những con cá robot vào bể cá cùng với những con cá bắt được ở sông Eau (Anh), dùng camera quan sát những hành vi của chúng.
Một chú cá robot do các nhà khoa học chế tạo. (Ảnh: ABC).
Thí nghiệm cho thấy những con cá thật không những chấp nhận những “người anh em” nhân tạo của mình một cách thân mật mà còn coi những anh chàng cá “dởm” làm “thủ lĩnh” và bơi theo một cách mù quáng như những đàn em dưới sự dẫn dắt của cá đầu đàn.
Ông Jolyon Faria cho biết: “Hơn thể nữa, chúng tôi phát hiện cá robot còn có khả năng rủ rê những con cá sống đơn lẻ ra khỏi hang và nhập thành bầy để cùng răm rắp bơi theo thủ lĩnh”.
Các nhà nghiên cứu còn xác định, sự tương tác giữa những con cá trong bầy khi thay đổi hướng bơi: Chúng phụ thuộc vào con cá bên cạnh nhiều hơn là vào khoảng cách tới con cá đầu đàn.
“Phương pháp dùng cá robot của chúng tôi là phương tiện có hiệu quả để nghiên cứu tập tính cúa cá trong một bầy, hành vi và hính thái học của chúng, cách chúng ứng xử trong một nhóm… Điều này cho phép chúng tôi hiểu rõ hơn không chỉ tập tính của riêng loài cá nào mà của cả các sinh vật khác nói chung”.
Gần đây nhất, cá robot lại một lần nữa phát huy tác dụng khi được thả xuống để dẫn đường cho đàn cá sống gần bờ bơi ra khỏi vùng nhiễm bẩn dầu trong sự cố tràn dầu vừa qua tại vịnh Mexico.
Theo Vietnamnet