Các chị hãy cứ làm đàn bà đi đã

0
120
Các chị hãy cứ làm đàn bà đi đã

Hôm nay, tôi đọc được một bài viết nói chuyện đàn bà thì nên yêu bếp. Rằng, nấu ăn nên được chuyển thể từ một nghĩa vụ nặng nề thành một thú vui tao nhã, bất luận người đàn ông trong gia đình có bao giờ đỡ đần hay không, có lau nhà rửa bát hay không, thì phụ nữ hãy cứ yêu căn bếp của mình. Bởi tình yêu với căn bếp ấy, trước hết là để cho chính mình ‘bám chắc vào hiện thực’. Để không bị chông chênh trong những buổi chiều về, muốn đi lang thang mê mải ngoài đường. Rằng, hãy cứ yêu bếp giống như yêu chồng, luôn dành cho căn bếp của mình và người đàn ông của mình ngọn lửa nồng nhiệt nhất trong từng bữa ngon. Bất kể ngày mai ta có còn nhau không.

Tôi thấy những lời ấy thanh thoát mà thấm thía. Nhưng y như rằng, có chị nào đó, hình như có nỗi đau buồn nào đó lưu lại trên tâm trạng, vội vàng ‘xả’ cho tác giả bài viết ấy – ở phần comment – rằng, nghĩ như thế là một kiểu ‘ô sin thời hiện đại’.

Các chị hãy cứ làm đàn bà đi đã

Tôi thấy thương cho tác giả của bài viết kia. Người ta hướng đến sự tự do, hướng đến niềm hạnh phúc, nhưng khi chị biết chính xác là chị sẽ hạnh phúc khi yêu bếp, yêu chồng thì chị lại bị người ta lên án.

Phải chăng là bởi người ta sợ yêu, sợ cố gắng, sợ học hỏi cách ‘chơi dao’ trong căn bếp nhà mình. Thời buổi muốn yêu thương vô điều kiện cũng lắm điều khó khăn. Bạn phải yêu theo cách người ta dạy. Bạn phải yêu theo cách làm – chồng – của – đàn – ông, làm – sếp – của – đàn – ông rồi phải khoe khoang điều đó ầm ĩ lên, thì bạn mới được người ta khen ngợi là đang hưởng thụ nữ quyền.

Hàng loạt mô hình những người phụ nữ được tung hô trên truyền thông, hàng nghìn những bài viết nông cạn vào ảo tưởng về những chuyến đi chơi của những người đàn bà, để căn bếp lại cho những anh chồng tháng kiếm nghìn đô vẫn cần mẫn cặm cụi đeo tạp dề, đang minh chứng cho điều ấy.

Thậm chí, người ta sung sướng tung hô những câu khẩu hiệu chê bai đám đàn ông là đồ lười biếng khi họ không dọn nhà, rồi tung hứng những người đàn bà cởi quần lót ra vứt chềnh ềnh ngay trong nhà tắm.

Các chị hãy cứ làm đàn bà đi đã

Chị nào mà ‘dám’ tung hô cái tinh thần phụ nữ truyền thống thì chỉ có nhận một lúc vài nghìn lời dè bỉu như một mẫu hình cũ kỹ đáng thương, bị quy kết là chống lại nữ quyền.

Mà không ai chịu thừa nhận rằng, cái quyền được làm phụ nữ, chính xác nhất là thể hiện ở việc đàn bà được thoải mái về nhà nấu cơm, mà không bao giờ bị ai miệt thị là ‘cái đồ chỉ biết về nhà nấu cơm’. Nữ quyền là khi người phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới, trong đó sự bình đẳng cao cấp nhất là ở chỗ những người đàn bà thản nhiên trong thân phận đàn bà mà không bị ai bĩu môi là ‘cái lũ đàn bà’.

Nghĩa là để giữ lại cái quyền được về nhà nấu cơm và thong thả chờ cơm chín, chứ không phải chịu áp lực xông pha bụi bặm ngoài đường rồi vẫn phải bày biện món ngon cho những ông vua. Tuyệt đối không thể có sự nhầm lẫn hay hoán đổi ở đây. Mọi kế hoạch biến đàn bà trở thành thói lộng ngôn và miệt thị đàn ông, còn biến đàn ông trở thành những người canh giữ lọ tương cà mắm muối, mới chính là biến thái. Ngoại trừ sự giúp đỡ để biểu hiện tình yêu ra, tôi không cảm thấy việc những người đàn bà ra ngoài phát biểu ồn ào, để đàn ông trở thành thống lĩnh nhà bếp thì có gì hay ho!

Phụ nữ vốn tự mâu thuẫn với chính mình mà chả chịu nhận ra. Một mặt, tuyên bố như ‘thánh chém’, bảo nhau sống không lệ thuộc vào chồng, nhưng người khác ca ngợi tình yêu bếp – trước hết là để nấu cho chính mình những bữa ăn ưng ý thì các chị sẵn sàng hét vào mặt người ta. Các chị bảo nhau hãy làm cho mình hạnh phúc lúc lên giường, áp dụng đủ mọi chiêu trò cho đàn ông phát mệt, để chiều chuộng chính mình, nhưng nhiều người nhất định từ chối việc đứng bếp để tạo ra món ăn nâng niu hương vị riêng của mình.

Họ cứ thích hò nhau tự lập nhưng tháng nào chồng chưa chịu nộp lương là nhiều chị hét lên như chết đói. Nếu giả sử có ông chồng nào dũng cảm, dám nói thẳng là chỉ đưa đủ tiền nuôi con, còn chi tiêu cho gia đình, phải share 50-50 thì đảm bảo ông ấy ‘bầm dập’ ngay vì các chị em ‘ném đá hội đồng’.

Các chị hãy cứ làm đàn bà đi đã

Một mặt, các chị bảo nhau đừng yêu chồng quá, thà làm mẹ đơn thân còn hơn ở với chồng bội bạc. Nhưng lại rủ nhau lập cả hội ‘oánh ghen tập thể’, hết công khai lại ngấm ngầm cổ vũ những cô vợ đi ‘ăn vạ’, tố cáo người ta ‘cướp’ mất chồng mình.

Làm như chồng là cái smartphone, ‘chấm chấm quẹt quẹt’ lúc nào cũng được, thụ động đến mức có thể bị bất kỳ ai đó nhặt lên, bị cho vào túi, xóa dữ liệu cũ, ‘nhồi cái mới’ vào ngay. Một người kêu ca chồng bội bạc, nhỏ nhen. Nhiều người kêu ca chồng bội bạc, nhỏ nhen. Lên cả facebook viết ‘văn kêu’ rồi rủ nhau bấm like, share về hàng loạt. Lúc kêu, lúc like rồi hùng hổ bấm nút share tập thể, có bao giờ nghĩ đến những lời tuyên bố ‘thà là đơn thân’…

Thật ra thì đàn bà rõ rệt là rất cần đàn ông. Nhưng ta cần đàn ông ở đúng trong vị trí và hình hài của họ. Đồng nghĩa là ta ở nguyên trong tư thế đàn bà, biết ‘chơi dao’ trong nhà bếp của mình sao cho đẹp đẽ và thản nhiên đặt xuống những khi cần thiết. Chứ không phải là ta chẳng cảm thấy mình cần phải là ai, nhưng nhất định mong lấy được chồng phải là đàn ông, mà lại là đàn ông lý tưởng, lương kiếm (vài) nghìn đô và về nhà nấu bếp cho ta, lại còn âu yếm và ru ta ngủ.

 

Thanh Nhàn