Trọng lượng và độ dài cánh của hàng trăm loài chim đang giảm dần vì hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Chim mỏ to ngực hồng. Ảnh: bobnaturephoto.com.
Quy luật Bergman trong sinh học khẳng định: Nhiệt độ môi trường càng cao thì kích thước của động vật càng giảm. Vì thế mà những loài sống ở các vĩ độ bắc thường có kích thước lớn hơn những loài sống ở các vĩ độ thấp.
Nguyên nhân khiến định luật Bergman xảy ra vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, nó khiến một số nhà khoa học đặt câu hỏi: Liệu kích thước của động vật có thay đổi theo tình trạng ấm lên toàn cầu hay không?
Theo BBC, để tìm hiểu, tiến sĩ Josh Van Buskirk của Đại học Zurich tại Thụy Sĩ và Robert Mulvihill, Robert Leberman – hai chuyên gia thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Carnegie tại thành phố Rector, bang Pennsylvania, Mỹ – quyết định nghiên cứu kích thước của vài 486.000 con chim thuộc 102 loài từng bị các nhà khoa học bắt trong hành trình di cư qua địa phận bang Pennsylvania từ năm 1961 tới năm 2007.
Kết quả cho thấy sự suy giảm trọng lượng cơ thể và chiều dài sải cánh thể hiện ở 60 loài chim di cư vào mùa xuân, 75 loài di cư vào mùa thu, 51 loài di cư vào mùa hè và 20 loài di cư vào mùa đông trong khoảng thời gian 46 năm.
Trên thực tế thì sự suy giảm trọng lượng và độ dài sải cánh ở chim không đáng kể.
“Nếu tính trung bình, trọng lượng cơ thể những loài di cư vào mùa xuân chỉ giảm 1,3% trong 46 năm. Với một con chim chích nặng 10 g thì trọng lượng chỉ giảm 130 mg”, tiến sĩ Buskirk nói.
Nhưng tốc độ giảm kích thước ở nhiều loài lớn hơn mức trên. Ví dụ, tỷ lệ giảm trọng lượng ở loài chim mỏ to ngực hồng vào khoảng 4%.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy kích thước cơ thể của nhiều loài chim Bắc Mỹ, phần lớn là chim biết hót, đang ngày càng giảm”, BBC dẫn lời tiến sĩ Buskirk.
Hiện tượng giảm kích thước cơ thể đã tác động tới ít nhất 20 thế hệ chim. Tuy nhiên, số lượng của chúng không hề giảm. Điều đó cho thấy những loài chim ở Bắc Mỹ đang tuân theo quy luật Bergman bằng cách thu nhỏ cơ thể khi nhiệt độ tăng.
Ba nhà nghiên cứu chưa biết liệu xu hướng thu nhỏ kích thước cơ thể có gây nên hậu quả dài hạn nào với chim hay không.
“Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy một số loài sẽ hưởng lợi và một số loài khác sẽ chịu ảnh hưởng xấu khi nhiệt độ tăng. Chúng ta không thể biết trước những loài nào sẽ chịu tác động xấu”, Buskirk phát biểu.
Buskirk cho rằng, các nhà khoa học cần thu thập thêm dữ liệu để xác nhận xu hướng này và tìm hiểu xem liệu xu hướng giảm kích thước có thể xảy ra với các loài động vật khác hay không.
Theo VnExpress