Các loài động vật như “hóa điên” mỗi khi xảy ra nhật thực

Nguyệt thực, nhật thực là hiện tượng tự nhiên kỳ thú. Nhưng khi quan sát nhật thực và nguyệt thực, các nhà khoa còn phát hiện ra rằng, nhiều loài động vật có phản ứng lạ lùng với hiện tượng này.

Ví dụ như từ thập niên 1500 đã có những ghi chép về việc các loài chim hót, ngừng bay và rơi xuống khi nhật thực đang diễn ra.

Dưới đây là 7 loài động vật có phản ứng kỳ lạ nhất mỗi khi xuất hiện “thiên thực”.

1. Chó, chim sợ hãi, bò thì không phản ứng gì

Vào năm 1932, hiện tượng nhật thực kéo dài 10 phút tại vùng Đông Bắc Hoa Kỳ cho các nhà khoa học được dịp quan sát các loài động vật tại đây.

Khoảng hơn 500 báo cáo về các phản ứng kỳ lạ của chúng được ghi lại. Nổi bật như các loài dế gáy to hơn, ong kéo về tổ với số lượng rất lớn, những loài như gà, bồ câu quây lại thành từng đàn trong chuồng…

Khi xảy ra nhật thực, chó có biểu hiện sợ hãi, chui rúc lẩn trốn cho đến khi hiện tượng này kết thúc.

Một nửa số chó được quan sát có biểu hiện khá sợ hãi. Chúng thường tìm chỗ nấp như dưới gầm giường, gầm tủ và không chịu ra ngoài cho đến khi hiện tượng này kết thúc.

Trong khi các loài động vật khác tỏ ra khá “hỗn loạn”, dường như bò lại không mấy để tâm lắm đến nhật thực.

Chúng hoàn toàn không có bất kỳ một động thái thay đổi khác lạ nào, vẫn ăn uống vui vẻ và hoạt động bình thường như không có chuyện gì xảy ra.

2. Dơi bị “cuồng bay”

Khi xảy ra nguyệt thực, loài dơi trở nên “tăng động” hơn nhiều.

Chúng ta vẫn biết dơi định vị bằng sóng âm chứ không phải bằng mắt như nhiều loài động vật khác. Tuy nhiên vẫn có điều gì đó đặc biệt ở hiện tượng nguyệt thực khiến loài này trở nên “tăng động”.

Cụ thể vào ngày 13/3/1979, trong suốt thời gian xảy ra hiện tượng nguyệt thực tại Ấn Độ, các nhà khoa học ghi nhận loài dơi như rơi vào trạng thái “cuồng bay”.

Số lượt bay tại khu vực quan sát ghi nhận được tăng gấp 5 lần bình thường. Những vườn trái cây cũng ghi nhận số lượng dơi kéo đến nhiều gấp 2 lần.

3. Khỉ cú đi trốn

Khi xảy ra nguyệt thực, khỉ cú Argentina thường tìm cách lẩn trốn chứ không hoạt động nhiều như bình thường.

Loài khỉ cú Argentina thường đi kiếm ăn vào bình minh, hoàng hôn, hay những khi có trăng. Tuy nhiên, nghiên cứu vào những lần có nguyệt thực vào năm 2003 và 2004 lại cho thấy điều kỳ lạ.

Bằng cách dùng những chiếc vòng cổ định vị, các nhà khoa học nhận ra những chú khỉ được quan sát chỉ tìm cách lẩn trốn chứ không hoạt động nhiều như bình thường.

4. Động vật phù du kéo lên mặt nước

Các loài động vật phù du – thức ăn chủ yếu của cá voi tại khu vực Bắc Đại Tây Dương – thường kéo lên mặt nước kiếm ăn vào buổi tối. Khi trăng lên, chúng thường quay trở lại nơi trú ngụ của mình, ở độ sâu khoảng 75 mét.

Tuy nhiên, khi nguyệt thực xảy ra, chúng sẽ ở lại trên mặt nước rất lâu, có khi lên đến hơn 2 giờ. Hiện tượng này cũng có tác động tương tự lên những loài như ấu trùng tôm, ngao, hàu khiến chúng thay đổi giờ giấc kiếm ăn bình thường.

5. Vượn cáo bị “đóng băng”

Ngày có trăng tròn, vượn cáo sẽ di chuyển xa hơn khỏi nơi trú ngụ của mình.

Loài vượn cáo đặc biệt của Madagascar thường đi tìm lá và trái cây vào ban đêm. Những ngày có trăng tròn, chúng sẽ di chuyển xa hơn khỏi nơi trú ngụ của mình.

Tuy nhiên, khi xảy ra nguyệt thực, theo như một báo vào năm 2001, loài vượn khỉ này sẽ có phản ứng rất kỳ lạ. Chúng gần như hoàn toàn bất động, đứng yên tại chỗ, có khi lên đến 3 giờ liên tiếp.

6. Nhện Araneidae tự phá mạng nhện của mình

Nhện Araneidae hoạt động dựa vào ánh sáng Mặt trời.

Loài nhện này thường giăng tơ kéo mạng vào bình minh và kéo xuống vào hoàng hôn. Tuy nhiên vào ngày 11/7/1991, khi hiện tượng nhật thực diễn ra tại Mexico, chúng đã bị “ánh trăng lừa dối” hoàn toàn.

Cụ thể, chúng đã ngay lập tức hủy mạng nhện của mình khi nhật thực diễn ra. Khoảng 10 phút sau, khi nhật thực vừa kết thúc, chúng lại tiếp tục công việc hàng ngày.

Có thể dự đoán được rằng nhện Araneidae hoạt động dựa vào ánh sáng Mặt trời, nên chúng mới có một phen “tẽn tò” khi xung quanh bất chợt trở nên tối tăm như vậy.

7. Tinh tinh tìm cách quan sát

Tinh tinh có cách phản ứng với nhật thực khá giống với chúng ta.

“Họ hàng” gần nhất với con người, loài tinh tinh, có cách phản ứng với nhật thực khá giống với chúng ta. Chúng hoàn toàn ý thức được có hiện tượng gì đó bất thường xảy ra trên bầu trời và ngay lập tức tìm cách quan sát một cách rất cẩn thận.

Những con tinh tinh cái là đối tượng đầu tiên nhận ra điều này, chúng sẽ ngay lập tức trèo lên nơi cao nhất để quan sát nhật thực. Con nhỏ hơn thường đứng thẳng dậy và nhìn lên bầu trời vào lúc nhật thực xảy ra được khoảng một nửa thời gian.

Khi nhật thực kết thúc, chúng trở lại trạng thái bình thường, và tiếp tục với những gì chúng đang làm như chưa có chuyện gì xảy ra.

 

Theo Trí Thức Trẻ